(SKDS) – Nàng thơ đang chết dần ít nhất là trong phạm vi nước Mỹ - đó là một sự thật đáng buồn được các nhà thơ Mỹ tâm sự, chia sẻ với đồng nghiệp Việt Nam tại buổi tọa đàm về “Những vấn đề của thơ ca đương đại Hoa Kỳ” vừa diễn ra tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu giữa Hội Nhà văn Việt Nam và đoàn nhà văn Đại học Iowa Hoa Kỳ.
Người dân Mỹ không còn biết tới thơ!
Có lẽ chưa bao giờ những vấn đề của thơ ca đương đại Hoa Kỳ lại được các nhà văn, nhà thơ hai nước trao đổi, tranh luận sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn đến như vậy. Qua đó, các thi sĩ Việt Nam đã có thêm những hiểu biết, hình dung cụ thể hơn về đời sống thơ ca tại Mỹ cũng như tại các quốc gia trên thế giới. Một điều khiến các nhà văn, nhà thơ Việt Nam ngạc nhiên là có không ít nhà thơ Mỹ nổi tiếng, được thế giới biết đến trong khi ở Mỹ thì tên tuổi của họ lại hoàn toàn xa lạ đối với công chúng.
“Nói ra thì nghe thật bẽ bàng, nhưng đối với người Mỹ, dù là người lao động chân tay ngoài đường phố hay một trí thức chuyên gia, thơ ca là một loại hình nghệ thuật đang trên đường đi tới chỗ diệt vong. Nàng thơ đang vào cõi chết, tuy nhiên điều đó cũng chẳng làm mấy ai động tâm” - nhà thơ Jane Mead tâm sự.
Các nhà thơ Việt Nam và Mỹ trong buổi tọa đàm. |
Lý giải thực trạng này, các nhà thơ Mỹ cho rằng, có lẽ vì thơ ca Mỹ khó hiểu, chủ yếu viết theo lối truyền thống với giọng văn chương hàn lâm. Mặc dầu các nhà thơ Mỹ đã có xu hướng thoát ra khỏi cách thức đó để gần gũi với đại chúng hơn, nhưng nhìn chung, trong con mắt của công chúng, thơ ca, đặc biệt thơ hiện đại, quá mịt mù, quá khó khăn để đọc hiểu hoặc giải khuây.
Và sự thật, độc giả Mỹ không đọc thơ Mỹ. Thơ chỉ là lĩnh vực dành riêng cho các học giả hoặc những “mọt sách” cao cấp. Vì vậy, để thơ ca Mỹ tiếp cận hơn với độc giả, các nhà thơ Mỹ đã dành trọn cả một tháng trong năm để làm “tháng của thi ca”. Họ cũng dán thơ lên tất cả những chỗ có thể dán được như xe bus, nơi công cộng. Mặc dù cố gắng như vậy nhưng hầu như vẫn không có mấy người dân Mỹ biết tên các nhà thơ đương đại của mình.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tình hình có vẻ lạc quan hơn cho dù số lượng độc giả yêu thơ cũng đang ngày một giảm sút. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định, nhà thơ Việt Nam được công chúng biết tới nhiều. Sở dĩ như vậy, một phần vì trong các giáo trình căn bản được giảng dạy ở nhà trường, học sinh Việt Nam vẫn được yêu cầu phải học khá nhiều thơ.
Các nhà thơ đương đại cũng được nhiều người quan tâm và biết đến hơn qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các sân chơi thơ lớn nhỏ, các câu lạc bộ thơ đang duy trì tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, mọi người đều thích làm thơ. Nhưng tại Mỹ, người ta làm thơ là để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, còn ở Việt Nam, khi sáng tác thơ, nhiều người muốn trở thành nhà thơ. Rõ ràng, nếu làm thơ chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân thì nhà thơ không còn hoặc còn rất ít nhu cầu muốn được độc giả biết đến.
Còn khi làm thơ để mong trở thành nhà thơ thì bằng mọi cách, con đường đến với nhiều độc giả nhất sẽ được các nhà thơ kéo gần lại hoặc làm cho nó dễ đi hơn. Đó cũng là lý do tại sao ở Mỹ, nhà thơ không được nhiều người biết đến!
Khủng hoảng thơ đang có xu hướng toàn cầu
Trước những tâm sự và chia sẻ của các nhà thơ Mỹ, và nhìn lại những gì đã diễn ra trên toàn thế giới, có thể thấy rằng, đó là nỗi niềm không chỉ của riêng quốc gia nào ở thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI này.
Mặc dù số lượng những người làm thơ không hề suy giảm mà lại gia tăng nhưng rõ ràng là công chúng tới với thơ ở đại bộ phận các quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây có xu hướng suy giảm. Ngay ở các cường quốc thơ truyền thống như Nga, Pháp, Ba Lan thì công chúng cũng đã không còn mặn mà với nàng thơ.
Nhà thơ nổi tiếng người Nga Yevgueni Yevtushenko mới đây từng tâm sự với báo giới rằng, trước kia các đêm thơ của ông thường xuyên đông kín người dự, nay đã không còn sức thu hút như thế nữa.
Tại Pháp, theo nhận định của hai nhà thơ Liliane Giraudon và Henri Deluy, trung tâm xung đột hiện nay giữa giới phê bình lại chính là bản thân khái niệm thơ: liệu còn chăng cái gì đó phân biệt “hình thức - thơ” với văn xuôi, và nếu như còn, thì liệu có đủ lâu dài chăng?
Tất nhiên, cũng vẫn còn những người đặt đầy kỳ vọng vào thơ. Họ đang ra sức đấu tranh cho sức sống của thơ bằng mọi cách có thể. Chỉ riêng việc này thôi đã là niềm an ủi với thơ!
Phạm Tăng