Nang thận, ai dễ mắc phải căn bệnh này?

24-08-2022 10:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nang thận là một túi nước lành tính ở thận, có thể liên quan đến các rối loạn nghiêm trọng làm suy giảm chức năng thận.

Thông thường, chỉ có một nang xuất hiện trên bề mặt của một quả thận, nhưng nhiều nang có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai thận. Vậy nang thận là gì, có nguy hiểm không và có những loại nang nào?

1.Nang thận là gì?

Nang thận là một túi nước lành tính ở thận, đa phần là yếu tố bẩm sinh, phát triển to theo năm tháng và lành tính. Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân mắc chứng thận mạn tính sẽ bị bệnh nang thận, một bệnh lý xảy ra khi thận tạo những túi chứa đầy dịch gọi là nang thận.

Trong hầu hết các trường hợp, nang thận vô hại và không cần điều trị. Đôi khi nang có vấn đề xảy ra, ví dụ như nhiễm trùng trong nang gây triệu chứng sốt và đau lưng. Đôi khi nang xuất huyết và máu sẽ xuất hiện trong nước tiểu.

2. Biểu hiện khi bị nang thận

Triệu chứng lâm sàng của nang thận thường nghèo nàn, nhiều trường hợp không có triệu chứng gì đặc biệt mà tình cờ phát hiện qua siêu âm kiểm tra sức khoẻ. Tuy vậy, nang lớn có thể gây triệu chứng như:

+ Đau thắt lưng hoặc tức nặng vùng thắt lưng bên thận có nang là triệu chứng hay gặp.

+ Sốt khi nang nhiễm trùng.

+ Khi nang thận quá to có thể sờ thấy khối u ở bụng.

3. Các biến chứng có thể gặp

Trên thực tế nang thận thường là lành tính không gây ra biến chứng tuy nhiên ở một số trường hợp có thể gây ra các biến chứng sau:

+ Chảy máu trong nang : Bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau thắt lưng, đái máu.

+ Nang nhiễm trùng : Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt, đau thắt lưng.

+ Vỡ nang : Bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau thắt lưng đột ngột, đái máu.

+ Nang ung thư hoá: Nang to nhanh, thành dày có nụ sùi, có vách, dịch không đồng nhất.

Các loại nang thận và ai dễ mắc phải căn bệnh này? - Ảnh 2.

Nang thận là một bệnh thường gặp ở thận.

4. Ai có nguy cơ bị nang thận?

Theo các nhà nghiên cứu những người có các yếu tố sau đây dễ bị nang thận.

- Người ở tuổi trung niên: Thường trên 50 tuổi

- Nam giới: bệnh Thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn

- Tiền căn có nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên (viêm thận – bể thận).

- Những bệnh nhân có bệnh thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc.

- Gia đình có người mắc bệnh nang thận (thận đa nang).

5. Các loại nang thận và phương pháp điều trị

Có ba loại nang thận, cụ thể:

- Nang thận đơn độc: Chỉ có 1 nang ở nhu mô thận, bệnh có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên. Nang thận đơn độc là loại nang thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất, chủ yếu ở bệnh nhân tuổi trung niên- chiếm tỉ lệ 1/3 bệnh nhân trên 50 tuổi.

Nang thận đơn độc hầu hết là lành tính, không biến chứng, triệu chứng rất "nghèo nàn". Những nang nhỏ thường không gây biểu hiện gì. Nang lớn hơn có thể gây đau ê ẩm bên hông lưng có chứa nang thận.

Chẩn đoán nang thận đơn độc các bác sĩ dựa vào kết quả của siêu âm hoặc CT-Scan, đặc biệt phương pháp CT-Scan giúp tầm soát chính xác cao. Nếu nang nhỏ (dưới 6cm), không biến chứng thì không cần can thiệp. Nang thận có kích thước lớn (hơn 6cm) nên mổ vì nó gây đè ép chủ mô thận, dần dần ảnh hưởng đến chức năng thận.

Đối với những nang nhỏ hơn nhưng gây biến chứng nhiễm trùng nang, xuất huyết trong nang gây đau nhiều mà qua điều trị nội khoa không đỡ, tái phát nhiều lần nên xét đến can thiệp ngoại khoa.

- Thận nhiều nang (từ hai nang trở lên): Tương tự như nang thận đơn độc. Nguyên nhân thường do sự tắc nghẽn của nhiều đơn vị thận trong quá trình hình thành và phát triển.

Điều trị nang thận đơn độc và thận nhiều nang có nhiều phương pháp như: Chọc hút nang thận và bơm chất làm xơ hóa dưới hướng dẫn của siêu âm. Phương pháp này có tỷ lệ tái phát cao (trên 70% sau 3 tháng). Phương pháp mổ hở cắt chóp nang, đây là phương pháp gây đau nhiều, thời gian nằm viện dài, có sẹo mổ, bệnh nhân hồi phục sức khỏe chậm.

Phẫu thuật nội soi cắt chóp nang có nhiều ưu điểm hơn các phương pháp khác. Số ngày nằm viện ngắn, vết mổ nhỏ, ít đau, người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh. Hiện nay phương pháp này được xem là phẫu thuật an toàn và hiệu quả nhất.

- Thận đa nang: Bệnh thường do di truyền, cần được theo dõi mỗi 6 tháng siêu âm một lần. Nếu nang thận gây đau, nhiễm trùng thì phải có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa niệu. Nang lớn hơn 6cm thì phải mổ vì nó sẽ đè ép các đơn vị thận bên cạnh làm cho những đơn vị này không "làm việc" được.

Tóm lại: Nang thận là một vấn đề thường gặp, Nếu nang nhỏ không biến chứng không cần điều trị gì. Người bệnh cần khám định kỳ mỗi 6 tháng để theo dõi diễn biến của nang để can thiệp điều trị kiệp thời.

Về dự phòng cũng không có biện pháp đặc hiệu cho bệnh nang thận. Do đó, khi phát hiện bị nang thận, người bệnh không nên quá lo lắng, vì tùy theo kết luận của bác sĩ siêu âm là biết được nang thận loại nào. Người bệnh cần tuân chủ chỉ định của các bác sĩ trong đó tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ… và điều lưu ý người bệnh cần uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày), nghỉ ngơi hợp lý, kiêng rượu bia, thuốc lá.

Video bạn có thể quan tâm

bai tap buoi sang



ThS.BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
Ý kiến của bạn