Nâng tầm Di tích ruộng bậc thang

29-05-2016 09:40 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Tính đến nay, Bộ VH-TT&DL đã công nhận ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) và ruộng bậc thang Trạm Tấu (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) là Di tích Quốc gia...

Tính đến nay, Bộ VH-TT&DL đã công nhận ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) và ruộng bậc thang Trạm Tấu (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) là Di tích Quốc gia, tạo cơ hội phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương. Tuy nhiên, ruộng bậc thang cũng như bao di tích khác, cần được bảo tồn đúng cách để phát huy hết giá trị vốn có.

Nhiều giá trị

Ruộng bậc thang ở nước ta hiện nay thường nằm xoải theo sườn núi, sườn đồi phổ biến ở các địa phương miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu… gắn liền với phương thức sản xuất của nhiều dân tộc thiểu số Mông, Dao, Nùng, La Chí, Hà Nhì…

Ruộng bậc thang Trạm Tấu, Yên Bái hình thành từ hàng trăm năm nay, là địa danh mà khách du lịch cả trong và ngoài nước đều háo hức muốn được một lần tận mắt chứng kiến về những vẻ đẹp hoành tráng được tạo nên bởi các quần thể ruộng bậc thang tựa như một bức tranh sắp đặt. Cứ mỗi khi các ruộng bậc thang ở Trạm Tấu mới vào vụ cấy cho đến lúc lúa chín vàng rực khoảng trời đã tạo nên bức tranh sặc sỡ sắc màu, mê hoặc những ai yêu thiên nhiên. Trước khi là di tích, những thửa ruộng bậc thang tại Trạm Tấu là tư liệu sản xuất chính được thừa kế từ nhiều đời của bà con dân tộc vùng cao nơi đây.

Vào mùa lúa chín, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì đẹp lộng lẫy và là điểm đến của nhiều khách du lịch.

Đối với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang, lịch sử hình thành và phát triển tới nay cũng đã hơn một thế kỷ, được kiến tạo và mở rộng bởi công sức lâu đời của 14 dân tộc quần cư trên địa bàn huyện. Người La Chí khi chọn đất làm ruộng thường là khu vực có thể tạo dựng trên đó nhiều loại công trình phục vụ cuộc sống. Ruộng bậc thang người La Chí lại được tạo ở phía trên, dưới hoặc xung quanh nhà. Người Dao áo dài và người Nùng thường chọn khu vực gần nguồn nước trong phạm vi đất của mình để làm ruộng. Người Dao đỏ do chuyển từ hình thức canh tác nương rẫy sang làm ruộng bậc thang nên vùng đất họ lựa chọn để làm ruộng là những mảnh đất tốt nhất mà trước nay họ từng khai phá để làm nương.

Dù lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở mỗi dân tộc có sự khác nhau do thời gian di cư, đặc trưng, tập quán canh tác sản xuất nông nghiệp nhưng trong ruộng bậc thang đều thể hiện sự kết tinh của sáng tạo và đức tính cần cù, kỹ năng canh tác sản xuất nông nghiệp ở trình độ cao của đồng bào các dân tộc. Khi ruộng bậc thang trở thành Di tích Quốc gia sẽ thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển, nâng cao hình ảnh địa phương với người dân trong và ngoài nước khi sở hữu những di sản có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với tập tục canh tác truyền đời của cha ông.

Cần hướng đi đúng đắn

Kể từ khi ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Trạm Tấu được công nhận là Di tích Quốc gia, cơ hội quảng bá hình ảnh cũng như thu hút khách du lịch tới tham quan ngày càng rộng mở khi mùa lúa chín vàng với chương trình “Tuần văn hóa ruộng bậc thang”. Nhưng thực tế cho thấy, khi mà khách du lịch đổ xô đi tham quan ruộng bậc thang, với ý thức kém kết hợp với cách làm du lịch của các địa phương chưa thật sự khoa học đã dẫn đến giá trị ruộng bậc thang bị ảnh hưởng, hoạt động du lịch chưa thật sự bứt phá.

Có thời điểm, để nâng cao đời sống kinh tế cho người dân ngay trên những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, UBND huyện Hoàng Su Phì tiến hành chuyển đổi giống lúa có năng suất, chất lượng cao để giao bà con canh tác thử nghiệm, nếu có hiệu quả kinh tế sẽ nhân rộng và phổ biến. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, đối với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đây không chỉ đơn thuần là ruộng, mà nó còn hàm chứa những kinh nghiệm trồng lúa nước, giống cây trồng, giống lúa thích hợp với ruộng bậc thang. Giá trị của di sản này nằm ở chỗ đó. Vì thế, cần khuyến khích người dân không nên thay đổi cây trồng, không nên thay đổi mục đích sử dụng ở đó.

Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), ruộng bậc thang Nguyên Dương (Trung Quốc) không đẹp như của Việt Nam, nhưng họ khai thác rất tốt vì người dân được đào tạo, huấn luyện để làm du lịch cộng đồng chuyên nghiệp. Trong khi đó, cách khai thác du lịch ruộng bậc thang của nước ta hiện còn nhiều hạn chế, đáng kể nhất là người dân chưa hề được hưởng lợi từ nguồn di sản mà họ đang sở hữu.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì, Trạm Tấu nói riêng, cả nước nói chung đã được công nhận là Di tích văn hóa nên tổ chức những chuyến du lịch điểm nhấn, đầu tư hướng dẫn viên, cung cấp bản đồ cũng như bản giới thiệu lịch sử, văn hóa của di sản cũng như các dân tộc sinh sống tại đó bằng tiếng Việt và ngoại ngữ là Anh, Pháp... để du khách biết và hiểu hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất “thần tiên” mà họ đang tới thăm. Hơn nữa, những gì thuộc về hồn cốt của di sản thì không được thay đổi, nếu cần thì du khách phải có ý thức “văn hóa du lịch” để chung tay cùng người dân, chính quyền địa phương bảo vệ, gìn giữ di sản.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn