Lâu nay, nhiều bệnh viện (BV) do các doanh nghiệp bất động sản, y tế đầu tư tiện nghi như... khách sạn liên tục ra đời khiến nhiều người trong ngành y tế và đông đảo bệnh nhân ước ao giá như các BV công cũng “học hỏi” được đôi phần. Đương nhiên, ai cũng hiểu mong muốn ấy không phải nằm ở những sự xa hoa, hào nhoáng mà thái độ và chất lượng phục vụ, thể hiện được một điều đơn giản “tất cả vì người bệnh” ở các cơ sở y tế công.
Thực tế cho thấy, không ít các BV công đã nỗ lực vượt khó để mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân nhờ các cố gắng đổi mới và tư duy đột phá của lãnh đạo. Họ đã khéo léo vun đắp, kết nối được tập thể cán bộ cùng dốc lòng theo một hướng tích cực, tạo ra sức lan tỏa để có thể chuyển mình trong một phạm vi chật hẹp về cả không gian và kinh phí.
Khu xử lý chất thải của BVĐK tỉnh Long An xanh - sạch như công viên
Trước yêu cầu đổi mới theo mô hình xanh - sạch - đẹp, nhiều BV cho rằng rất khó, cần thời gian, cần kinh phí để xây dựng những khu nhà mới hoặc những cơ sở 2 để vụt biến thành “sao”. Thế nhưng, lại có những BV dám quyết liệt để có được một sự “đầy đủ” góp phần làm hài lòng bệnh nhân, trước hết bằng chính những thay đổi tự thân.
Có thể kể đến BV Răng hàm mặt TW - một BV thuộc loại nhỏ nhất trong hệ thống cơ sở y tế công. Nắm được mặt bằng cạnh tranh của chuyên ngành răng hàm mặt, được Chính phủ, Bộ Y tế cho phép tự chủ tài chính, 6 năm qua, ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên của bệnh viện đã đưa bệnh viện lên một bước phát triển mới.
BVĐK Đồng Nai không khác gì một khách sạn
Điển hình là bãi gửi xe miễn phí của BV dù quỹ đất gần như không có. Cán bộ nhân viên không có nơi để xe, bệnh viện trích tiền để cho nhân viên mang đi gửi chỗ khác. Rồi những thay đổi cơ sở vật chất phục vụ người bệnh lần lượt từ khâu nội trú đến phòng mổ, phòng chờ cho người bệnh, các khoa đều có biện pháp không để bệnh nhân chờ lâu như đi làm sớm hơn, phát phiếu sớm hơn. Tác phong của nhân viên trong bệnh viện đều được tập huấn thường xuyên và nghiêm túc. Bên cạnh đó, BV luôn tiến hành nâng cấp, tu sửa dần các hạng mục, đầu tư cả về trang thiết bị lẫn cơ sở hạ tầng.
BVĐK Quỳnh Phụ, Thái Bình dù nhỏ nhưng vẫn rất chú trọng khâu xử lý rác thải
Đến nay, tổng thu của bệnh viện tăng gấp nhiều lần so với ngày xưa, bệnh viện có quỹ phát triển sự nghiệp đáp ứng được nhu cầu phát triển mà không cần phải huy động xã hội hóa. Các trang thiết bị hiện đại, bác sĩ được đi đào tạo các kỹ thuật mới, nếu có chuyên gia nước ngoài nào đáp ứng nhu cầu học hỏi cho cán bộ nhân viên sẽ được mời sang bệnh viện.
Trong khi đó, BV Y học cổ truyền Kiên Giang và BVĐK tỉnh Long An lại có những thay đổi trông thấy về việc cải thiện môi trường và xử lý chất thải. Các lãnh đạo BV đã truyền lửa cho tất cả cán bộ nhân viên bằng cam kết “không nhìn thấy và không ngửi thấy chất thải”. Để có được môi trường trong lành như hôm nay, lãnh đạo BV và đồng nghiệp đã mất hơn 3 năm để thiết lập hệ thống và khuyến khích tất cả mọi người cùng tham gia quản lý chất thải y tế. Nhưng nỗ lực của họ đã được đền đáp bằng những không gian xanh, sạch như công viên, khách sạn ở Long An và Kiên Giang.
BV Răng hàm mặt TW đang từng bước thay đổi mạnh mẽ cả về thái độ phục vụ và hạ tầng cơ sở
Và một lần nữa cho thấy, tư duy quản lý của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Những con người tâm huyết, quyết liệt, dám táo bạo trong tư duy đột phá tích cực sẽ giúp góp phần đáng kể để nâng tầm bệnh viện dẫu cho có sự khập khiễng nhất định khi so sánh những cơ sở tư được đầu tư lớn nhằm kinh doanh và nơi đặt tiêu chí phục vụ lên hàng đầu trong một hạn mức cho phép.