Vẫn cách viết rất nhẹ nhàng, vẫn những câu chuyện có thật trong bệnh viện, trong cuộc sống ... nhưng lần này tác giả lại kiệm lời hơn. Với hai nhân vật, Nhật - một gã bán rượu bệnh tật và Du - một bác sĩ với nhiều trăn trở thao thức, hành trình của họ ngỡ không liên quan gì nhau nhưng lại gặp nhau, giúp nhau nhận ra những giá trị cuộc sống và sống!
Nếu gọi tác giả Nguyễn Bảo Trung là nhà văn thì hơi khiên cưỡng và khó chấp nhận. Nhưng phải thừa nhận rằng những gì anh viết cứ như một ly trà thơm mát trôi chảy vào lòng lúc nào không hay. Những triết lý tôn giáo đầy thâm sâu, khó tiếp cận ... vậy mà qua ngòi bút của anh lại trở nên giản dị và dễ hiểu đến bất ngờ.
Đọc Nắng, chúng ta tự dưng hiểu hơn về câu hát của Trịnh Công Sơn: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Tại sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không viết: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”?
Đọc Nắng, chúng ta sẽ hiểu hơn thế nào là sống, thế nào là tồn tại. Sống là sự có mặt trong cuộc sống. Nhưng làm sao để có mặt là cả một quá trình trưởng thành và đôi khi phải vấp ngã thật nhiều.
Đọc Nắng, chúng ta chợt nhận ra Thiền chẳng qua là sự có mặt đó. Tất cả thuận theo tự nhiên! Ăn tự nhiên! Thở tự nhiên! Mỉm cười tự nhiên!
Thiền là quan sát.
Thiền cũng là những khoảnh khắc chúng ta không còn dán nhãn, gọi tên, áp đặt lên mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.
Tôi nghĩ, nghề bác sĩ thôi đã được trân trọng rồi, đằng này Nguyễn Bảo Trung lại viết sách thì càng đáng trân trọng hơn. Bởi vì những cuốn sách ấy luôn hướng đến những điều tích cực, hướng thiện, nhắc nhở chúng ta sống trong giây phút hiện tại, trân trọng những gì đang có và đặc biệt là tình cảm gia đình thiêng liêng mầu nhiệm.
Nếu Vô Thường làm bạn khóc, Sen làm bạn thao thức, Mây làm bạn thanh thản, thì Nắng sẽ làm bạn mỉm cười!
Nụ cười tươi nguyên như chưa từng qua những tổn thương và mất mát!
Nắng đơn giản và mộc mạc lắm. Những gì tác giả viết như những tia nắng ban mai đầu ngày nhảy múa trên phố, có sao biểu hiện vậy. Từ đó làm tôi nhớ đến câu danh ngôn: Đơn giản là chỗ nương náu cuối cùng của phức tạp!