PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho hay, trong số 35 bệnh nhân người lớn đang điều trị các bệnh lây qua đường hô hấp, có hơn 20 bệnh nhân cúm, đặc biệt có 4 bệnh nhân cúm rất nặng phải thở máy.
Bên cạnh những người bị cúm nhẹ được điều trị ngoại trú, ngày nào cũng có vài trường hợp cúm nặng phải nhập viện, trong đó có bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm trên nền bệnh xơ gan, đáng thái đường dù được cứu chữa tích cực nhưng bệnh quá nặng, gia đình xin về.
Chuyên gia truyền nhiễm cũng cảnh báo, thời tiết đang nóng tới 40 độ C như hiện nay mà vẫn xảy ra cúm và còn tăng cao là điều đáng ngạc nhiên. Các ca mắc bệnh cúm năm nay chủ yếu là cúm mùa như cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Bệnh rất dễ trở nặng nếu bệnh nhân có nền bệnh tật phức tạp, mắc nhiều bệnh phối hợp khác.
Ngoài các bệnh nhân cúm thì số bệnh nhân vào Trung tâm Bệnh Nhiệt đới khám và điều trị vì các bệnh sởi, thủy đậu... cũng gia tăng đáng kể. Những người phải nhập viện đều trong tình trạng nặng có biến chứng suy hô hấp hoặc đã mắc các bệnh khác, như tim phổi mạn, suy thận, đái tháo đường, có thai.
"Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận gần 100 ca sởi đều trong tình trạng nặng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới với quy mô kỷ lục. Việc chẩn đoán các bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt phát ban rất hay nhầm lẫn với di ứng thuốc. Vì thế, nhiều bệnh nhân điều trị dị ứng nhiều nơi không đỡ rồi mới phát hiện bị sởi thì đã muộn, thậm chí tử vong do biến chứng"- PGS. Cường cho hay.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân sởi.
Cũng tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng năm nay, dù thời tiết nắng nóng những ngày qua nhưng số ca mắc sởi vẫn tăng. Trong tuần qua (từ ngày 15/4 đến 21/4), số ca mắc sởi đã tăng vọt lên 123 ca. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 928 ca mắc sởi (gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018), chưa có trường hợp tử vong.
Trước đó, từ đầu tháng 4/2019, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã phải xử lý rất nhiều ca bệnh nặng do cúm, phải chạy ECMO. Theo các bác sĩ, virus cúm thường gây tổn thương ở phổi, diễn tiến rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp, nên nếu ở nhóm có nguy cơ cao thì cần được theo dõi sát sao và điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến tử vong.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, về nguyên tắc thì khi nào bệnh nhân có sốt và ho thì phải đi kiểm tra ở cơ sở y tế, với người dân ở xa thì gần nhất là trạm y tế xã phường để được phát hiện sớm. Có những triệu chứng như vậy thì chúng ta phải nghĩ đến nhiễm trùng đường hô hấp.
"Nếu xuất hiện nhiễm trùng đường hô hấp và xảy ra trên cơ địa ở trẻ em, phụ nữ có thai, người già, những người suy giảm miễn dịch thì bệnh thường diễn tiến rất nhanh, rất nguy hiểm.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tuy nhiên, ở những người khỏe mạnh bình thường vẫn có thể diễn tiến nhanh, nguy hiểm trong trường hợp sốt cao liên tục, ho nhiều, khó thở, tức ngực. Do vậy cần chuyển đến bệnh viện kịp thời để điều trị ngay, giảm mức độ diễn biến nặng"- GS. Kính đặc biệt lưu ý.
Theo các bác sĩ, bệnh cúm có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, nhưng người dân không nên chủ quan do virus cúm biến đổi rất nhanh. Các gia đình nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm chủng mỗi năm một lần, kể cả người lớn và trẻ nhỏ.
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
- Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
- Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.