Việc học sinh đã bắt đầu đi học trở lại sau một thời gian nghỉ giãn cách kéo dài do dịch COVID -19 cũng như việc một số trẻ đã bị trì hoãn tiêm chủng thời gian qua cũng là yếu tố thuận lợi cho việc lây lan các mầm bệnh, nhất là ở các trẻ nhỏ vốn có hệ thống miễn dịch non yếu chưa hoàn chỉnh và cũng chưa có ý thức phòng bệnh cao.
Chích ngừa và điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm trùng
Vừa qua, ở một số tỉnh thành có ghi nhận một vài trường hợp bị viêm màng não mủ ở trẻ chưa chích ngừa. Có nhiều tác nhân gây nên bệnh viêm não, màng não ở trẻ nhỏ, gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm thần, vận động của trẻ sau này. Có thể kể ra các tác nhân thường gặp như vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae b), Não mô cầu (Neisseria meningitidis), Phế cầu (Streptococcus pneumoniae), virus viêm não Nhật Bản B...
Để phòng ngừa bệnh, cần phát hiện sớm và điều trị dứt điểm các bệnh về hô hấp, bệnh nhiễm trùng tai - mũi - họng ở trẻ nhỏ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, dọn dẹp nơi ở thoáng mát, sạch sẽ, vệ sinh tai - mũi - họng cho trẻ hàng ngày. Đặc biệt, lưu ý đến các trường học, lớp học, cần đảm bảo môi trường học thoáng mát, vệ sinh trường lớp, các vật dụng, đồ chơi, bàn ghế, tay nắm các cửa ra vào, cửa nhà vệ sinh, vòi nước…
Nhiều bệnh truyền nhiễm hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa như lao (BCG), bạch hầu- uốn ván- ho gà, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não do Hib, viêm não Nhật Bản B, sởi, rubella, cúm mùa, thủy đậu, viêm màng não do não mô cầu, viêm phổi do phế cầu, tiêu chảy do virus Rota… Điều quan trọng là đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Phụ huynh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ để ngừa bệnh viêm màng não do Hib, não mô cầu, phế cầu, viêm não Nhật bản B…
Việc chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng chủ động, đúng lịch, đủ liều sẽ không những giúp trẻ được bảo vệ với các bệnh dịch nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, tàn tật, ảnh hưởng tới tương lai của trẻ sau này mà còn giúp bảo vệ cho cả gia đình, cộng đồng, nơi trẻ đang sinh sống, sinh hoạt, học tập.
Với một số bệnh chưa có vắc xin nhưng có nguy cơ bùng dịch cao hiện nay như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cần áp dụng các biện pháp phòng tránh tại nhà và tại trường theo hướng dẫn của các cơ quan y tế. Bên cạnh đó, cũng cần phải thực hiện các hoạt động cải thiện, nâng cao sức khỏe như luyện tập thể dục thể thao, đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn, đảm bảo vệ sinh (rửa tay thường xuyên), thực hiện ăn chín uống sôi... cũng như đến các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn và thăm khám điều trị khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh.
Tiêm ngừa tại Viện Pasteur TP.HCM
Chủ động đăng ký tiêm chủng online
Ngay từ đầu dịch COVID - 19, Viện Pasteur TP.HCM đã đánh giá nguy cơ, chủ động dán thông báo ngay tại cổng chính để khách hàng biết những cơ sở y tế tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ, tránh bệnh nhân nghi ngờ COVID - 19 có thể vào trong khuôn viên Viện Pasteur. Tại đây, công tác kiểm tra thân nhiệt và sàng lọc tiếp nhận khách có triệu chứng sốt, hô hấp, có lối đi riêng đến phòng khám riêng đã được triển khai. Do đó, trong thời gian qua không có bệnh nhân COVID - 19/nghi ngờ COVID - 19 nào vào trong khuôn viên và tiếp xúc với nhân viên, khách hàng đến Viện.
Trong khu vực phục vụ khách hàng, Viện luôn trang bị sẵn dung dịch sát khuẩn cho tất cả khách hàng đến Viện; khuyến cáo bắt buộc tất cả khách hàng đeo khẩu trang khi vào Viện và khuyến cáo người dân chủ động thực hiện giãn cách, đồng thời bố trí các ghế ngồi xa nhau. Trong các phòng chờ khám bệnh và phòng chờ sau tiêm, Viện chiếu liên tục các clip tuyên truyền phòng chống COVID trên các máy truyền hình.
Sau thời gian giãn cách, lượng khách hàng đến Viện có tăng nhẹ nhưng khi thành phố quyết định cho học sinh trở lại trường học thì số lượng khách ở mức ổn định. Tuy nhiên, Viện Pasteur vẫn chủ động duy trì phòng chống dịch cho mọi người dân, khách hàng khi đến xét nghiệm, tiêm ngừa tại Viện.
Hiểu lầm 1: Chỉ cần vệ sinh cá nhân và môi trường tốt, trẻ sẽ không mắc bệnh tiêu chảy, vì thế việc chủng ngừa virus rota không cần thiết nữa.
Sự thật: Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay đúng cách, vệ sinh đồ chơi bằng xà phòng… không thể hoàn toàn tiêu diệt được virus Rota. Hầu hết trẻ em đều có nguy cơ nhiễm virus rota. Do đó, để tạo miễn dịch chủ động bảo vệ sức khỏe còn non yếu của trẻ thì cha mẹ cần phải tư vấn bác sĩ để chủng ngừa cho bé đầy đủ và đúng thời điểm vàng (từ 6 tuần tuổi).
Hiểu lầm 2: Tiêm ngừa phòng nhiều bệnh cùng lúc cho trẻ có thể gây thêm tác dụng phụ và khiến hệ miễn dịch của trẻ bị quá tải.
Sự thật: Thực tế, hàng ngày trẻ tiếp xúc với hàng trăm tác nhân gây bệnh khác nhau. Đơn cử một hành động đơn giản như ăn uống cũng góp phần đưa vào cơ thể trẻ những kháng nguyên mới. Bộ máy miễn dịch của em bé có thể phân tích được vài ngàn kháng nguyên đưa vô cơ thể để phân tích và sau đó tạo ra được kháng thể. Trong khi đó, việc chủng ngừa nhiều loại bệnh cùng lúc sẽ làm giảm đáng kể số lần phải đến bệnh viện thăm khám, số lần tiêm cho trẻ ít hơn, tránh phải chịu đau nhiều lần 2. Đồng thời việc này giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tạo điều kiện cho trẻ hoàn thành lịch chủng ngừa cần thiết đúng thời gian.
Hiểu lầm 3: Không cần các mũi tiêm nhắc vì chỉ cần tiêm 1 lần là cơ thể trẻ đã có đủ kháng thể chống lại bệnh.
Sự thật: Việc tiêm ngừa sẽ giúp trẻ có được kháng thể để chống lại một hoặc một số loại bệnh nguy hiểm dễ mắc phải. Tuy nhiên, có những vắc xin cần phải tiêm nhắc vì lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian và nếu không được tiêm bổ sung sẽ có nguy cơ giảm xuống thấp dưới ngưỡng bảo vệ, khiến trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh. Lịch tiêm của các vắc xin hiện nay đã phải được nghiên cứu và đánh giá rất kỹ về hiệu quả và an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Các mũi tiêm nhắc giúp gợi lại trí nhớ của hệ miễn dịch để tái sản xuất lượng kháng thể mà cơ thể đã tạo ra sau đợt chủng ngừa đầu tiên, giúp trẻ được bảo vệ liên tục. Chính vì vậy, bố mẹ nên tư vấn bác sĩ để tiêm ngừa đầy đủ giúp bảo vệ trẻ toàn diện và lâu dài.