Hà Nội

Nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khi sử dụng thức ăn đường phố

23-04-2024 12:36 | Y tế
google news

SKĐS - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An khuyến cáo phụ huynh và học sinh không mua đồ ăn vặt, hàng rong trước cổng trường để đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong thời điểm nắng nóng gay gắt.

Chủ quan với thực phẩm vỉa hè

Những hàng ăn vặt, quán vỉa hè không chỉ thu hút trẻ nhỏ mà còn trở nên quen thuộc với nhiều người trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đối với các chuyên gia y tế, đây là nguy cơ lớn về ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là khi thời tiết ngày càng nóng lên.

Trong những tháng đầu năm 2024, ở một số địa phương trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm hàng trăm người mắc, một số vụ ngộ độc thực phẩm là học sinh ăn thực phẩm bày bán trước cổng trường. 

Đang đứng chờ thanh toán cho cháu cốc nước xiro trước cổng trường, bà Nguyễn Thị Long, phường Hưng Phúc, TP Vinh (Nghệ An) cho biết, đồ ăn ở đây không đảm bảo, nhưng các cháu đòi mua nên đành chiều theo ý trẻ con.

Nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khi sử dụng thức ăn đường phố- Ảnh 1.

Những hàng ăn vặt, quán vỉa hè không chỉ thu hút trẻ nhỏ mà còn trở nên quen thuộc với nhiều người trong cuộc sống hàng ngày.

Chị Nguyễn Thu Hiền, 37 tuổi, ở Phường Vinh Tân, TP Vinh kể, cách đây khoảng một tuần, con trai chị mua một hộp mì tôm trộn ở ngoài cổng trường vào buổi chiều tan học. "Sau khi ăn, khoảng 10h tối, con trai tôi có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, chóng mặt. Gia đình đưa cháu đến một phòng khám đa khoa để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị ngộ độc thực phẩm, kê đơn thuốc hỗ trợ tiêu hóa và chỉ định cháu nghỉ ngơi tại nhà trong 2 ngày", chị Hiền nói.

Trên các tuyến phố, thường dễ dàng bắt gặp các quầy bán thức ăn nhanh với đủ loại xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán... và các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, trà đào, trà tắc...

Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rẻ, nhưng quy trình chế biến có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không, thì người mua ít quan tâm.

Về vấn đề này, bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tân, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chia sẻ, thời tiết nóng thường làm cho thực phẩm dễ hỏng, nhanh ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Mọi loại thực phẩm đều có thể trở thành môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Các bữa ăn tập thể như đám cưới, tiệc, trường học... với số lượng người tham gia đông cũng đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).

Nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khi sử dụng thức ăn đường phố- Ảnh 2.

Thời tiết nắng nóng tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, bác sĩ Nguyễn Hữu Tân lưu ý, người dân cần ăn chín và uống nước đã được đun sôi. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn. Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo. Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh thì tuyệt đối không mua".

Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát

Để đối phó với nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Nghệ An có công văn đề nghị các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp giám sát nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là tập trung vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 và tập trung vào các đối tượng như dân cư ở vùng ven biển và dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khi sử dụng thức ăn đường phố- Ảnh 3.

Chi cục ATVSTP Nghệ An tăng cường kiểm tra tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống.

Tăng cường kiểm tra và giám sát, tập trung đặc biệt vào các cơ sở chế biến thực phẩm sẵn có, nhà hàng tập thể tại khu công nghiệp, trường học, và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình...

Ngoài ra, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường học, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại khu vực xung quanh trường học

Nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khi sử dụng thức ăn đường phố- Ảnh 4.

Chi cục ATVSTP Nghệ An tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP.

Theo Bs.CKII Phạm Ngọc Quy, Chi Cục Trưởng Chi cục ATVSTP, đặc trưng của thời tiết nắng nóng là nhiệt độ và độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, gây ra tình trạng ô nhiễm và làm thức ăn nhanh chóng ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều người tránh xa việc nấu nướng và thay vào đó thường mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, hoặc thực phẩm bày bán không được bảo quản đúng cách, từ đó gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Thực tế, quá trình chế biến và bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

"An toàn thực phẩm luôn là vấn đề "nóng" và phức tạp. Thêm vào đó, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nhằm ngăn ngừa, xử lý. Trong tháng hành động phải bảo đảm thực chất. Đặc biệt, công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm. Quá trình kiểm tra phải thực hiện một cách triệt để, qua đó có biện pháp xử lý nghiêm", Bác sĩ Phạm Ngọc Quy nhấn mạnh.

Nghệ An: Phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024Nghệ An: Phát động 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm' năm 2024

SKĐS - Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại Nghệ An được triển khai với nhiều hoạt động, nhằm thúc đẩy, nâng cao nhận thức của mọi người trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn