Bức xạ UV hại mắt như nào?
Có 3 loạị tia cực tím: tia UV-C được hấp thu bởi tầng ozon nên không gây ảnh hưởng, tia UV- A và UV-B thì gây hại tạm thời và lâu dài đến mắt và thị giác.
Về bản chất, bức xạ UV (hay còn gọi là tia cực tím, tia tử ngoại, tia UV) là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X, chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Trong các nghiên cứu ảnh hưởng của tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời lên sức khỏe con người và môi trường, thì phổ của tia cực tím chia ra làm các phần:
Tia UVC: Có bước sóng trong khoảng từ 100 - 280nm (nanometer). Đây là vùng tia UV có năng lượng cao nhất.
Tia UVB: Vùng bức xạ này có bước sóng dài hơn UVA (khoảng 280 - 315nm).
Tia UVA: Vùng tia này gần với vùng ánh sáng nhìn thấy, có năng lượng thấp hơn (bước sóng khoảng 315 - 380nm).
Chỉ số tử ngoại hay chỉ số UV là một chỉ số đo lường theo tiêu chuẩn quốc tế về cường độ của bức xạ tử ngoại từ mặt trời tại một địa điểm cụ thể vào một ngày cụ thể. Nó là một thang đo đầu tiên được sử dụng dự báo theo ngày cho công chúng được biết, hiện nay thì được đo theo giờ. Mục đích của chỉ số này là để giúp mọi người bảo vệ mình khỏi tia cực tím, vì việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thể thủy tinh, lão hóa da, ức chế miễn dịch và ung thư da.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiệt độ tại khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM đang ở mức cao, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 35-36oC. Theo dữ liệu ghi nhận được, bức xạ tia UV đạt mức 10/12. Các tổ chức y tế công cộng khuyến cáo người dân tự bảo vệ mình (khi chỉ số tử ngoại đạt 3 hoặc cao hơn).
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số UV cao nhất là 11 với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút. Do biến đổi khí hậu làm tổn thương tầng ozon nên mùa nắng năm nay tia bức xạ tăng kỷ lục đạt mức 12 là mức độ rất nguy hiểm có thể gây những biến chứng cấp ở mắt như bỏng mắt.
Tia UV đạt mức độ nguy hiểm sẽ gây bỏng bề mặt mắt hay còn gọi viêm kết mạc do ánh sáng (photokeratitis). Khi đó mắt sẽ đau, đỏ mắt, cộm xốn, cảm giác có dị vật ở mắt, chảy nước mắt và sợ ánh sáng. nhìn mờ cấp tính sau khi tiếp xúc ánh nắng. May mắn là những triệu chứng này chỉ tạm thời và hiếm khi gây tổn thương vĩnh viễn cho mắt. Tia UV sẽ đặc biệt cao hơn ở vùng biển. Do đó, khi đi du lịch tại vùng biển cần chú ý bảo vệ mắt.
Nhiệt độ tăng cao gây tăng bốc hơi ở bề mặt mắt do đó mắt dễ bị cộm xốn do khô mắt và ở những người bị bệnh khô mắt trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, môi trường nóng, khô và ô nhiễm sẽ làm gia tăng bệnh lý dị ứng ở mắt và bệnh viêm kết mạc.
Cần đeo kính mát khi ra ngoài và chọn kính có tác dụng cản tia UV.
Làm gì để tránh tổn hại mắt?
Thời gian mắt tiếp xúc với tia xạ mặt trời càng lâu thì nguy cơ bị mộng thịt, đục thể thủy tinh và thoái hóa điểm vàng sau này càng nhiều. Chưa có đánh giá là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bao lâu thì sẽ gây tổn hại. Vì thế, phòng chống tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng vào thời gian cao điểm.
Chúng ta cần đeo kính mát khi ra ngoài, phải làm việc ngoài trời giúp bảo vệ mắt khỏi tia xạ, ô nhiễm và giảm khô mắt. Cần chọn những kính có chất lượng cản tia UV tốt.
Đội nón rộng vành cũng giúp giảm tiếp xúc tia xạ. Có thể sử dụng bổ sung nước mắt nhân tạo, uống nhiều nước và chế độ ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Khi có các triệu chứng như mắt đỏ, ngứa, có ghèn, nên đến cơ sở chuyên khoa để khám.
Mắt là giác quan rất quan trọng, do đó chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ và nuôi dưỡng đôi mắt nhằm có được cuộc sống vui tươi và hạnh phúc.