Người già, trẻ em "đua nhau" nhập viện
Tại BV Đa khoa Nông nghiệp (ở Thanh Trì – Hà Nội), Thầy thuốc ưu tú, BSCKII. Hoàng Thị Hương -Trưởng Khoa Nội Tổng hợp của BV cho biết, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân nhưng trong 1 tuần qua, mỗi ngày có hơn 1000 người bệnh đến khám, tăng 30%.
Đáng chú ý trong đó nhiều bệnh nhân huyết áp cao, đái tháo đường, tim mạch bị tai biến phải điều trị nội trú. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Bùi Thị Phấn, 86 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Thời tiết nắng nóng cảm thấy ngột ngạt vô cùng. Tôi bị biến chứng liệt nửa người trái, nhồi máu cơ tim, bác sĩ chữa mấy ngày nay đỡ rồi. Hiện tại đã ngồi dậy và đi lại được, tay có thể cầm nắm tốt...".
Còn bệnh nhân Diệp Kim Mai hơn 60 tuổi cho biết: “Tôi bị huyết áp cao, tiểu đường và xơ vữa động mạch, đi khám thì bác sĩ yêu cầu nằm viện. Nắng nóng thế này trong người mệt mỏi lắm”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại BVĐK Nông nghiệp.
Tại BV Bạch Mai và BV Lão khoa Trung ương, số người già mắc bệnh mạn tính đến khám cũng tăng từ 30% đến 50% trong những ngày nắng nóng. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương - Phụ trách Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết, chỉ riêng bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã có hàng chục người đến khám mỗi ngày.
Bên cạnh người cao tuổi, nhiều trẻ nhỏ cũng phải nhập viện vì nắng nóng. Đa số trẻ nhỏ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy có xu hướng gia tăng. Nắng nóng và nhiệt độ các buổi trong ngày chênh lệch cao cũng khiến trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, sốt... tăng cao. Tại BV Nhi Trung ương và khoa Nhi các bệnh viện khác mấy ngày qua lượng bệnh nhân đến khám tăng từ 20% trở lên.
PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc BVĐK Nông nghiệp cho biết, bước vào mùa hè không riêng bệnh nhi mà còn có thể gặp nhiều bệnh khác ở mọi lứa tuổi. Chúng tôi đang lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trở lại.
Riêng với trẻ em, đối tượng này thường bị tiêu chảy, tay chân miệng, viêm não, ngộ độc thực phẩm nên bệnh viện đã chuẩn bị chu đáo để ứng phó. Trong các buổi sinh hoạt với người nhà bệnh nhân, bác sĩ tuyên truyền phòng bệnh.
Nắng nóng coi chừng "cháy da"
Nắng nóng cũng khiến các bệnh nhân mắc các bệnh về da tăng cao. Theo thống kê của các bác sĩ BV Da liễu Trung ương, trong mùa hè, khoảng 20% bệnh nhi đến khám là do bị sẩn ngứa côn trùng cắn. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ mắc rôm sảy, viêm da tiếp xúc do dị ứng ánh sáng… cũng gia tăng mạnh.
Đáng chú ý, BV đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nam đến khám ở viện trong tình trạng “da cháy”. Trước đó, bệnh nhân kể, anh có tắm biển vào đúng giữa trưa, lúc có cường độ ánh sáng cao nhất. Ngay khi vừa lên bờ, trên da anh xuất hiện ban đỏ, bỏng rát ranh giới rất rõ giữa vùng có và không tiếp xúc ánh sáng. Sau đó, da anh này xuất hiện mụn nước, bọng nước trên nền da đỏ như... tôm luộc. Khi mụn nước, bọng nước vỡ, da bệnh nhân bong vảy da mỏng, khiến da bị tổn thương nặng, bị rát thâm trong thời gian dài.
Rất đông bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu Trung ương trong sáng 15/5.
Các bác sĩ cảnh báo, vào mùa hè, tình trạng bỏng da liên quan đến ánh nắng thực sự đáng ngại, đặc biệt là những người có nghề nghiệp bắt buộc phải ra nắng thường xuyên trong điều kiện ánh nắng cường độ mạnh như: Công nhân xây dựng, thợ điện… Trong khi đó, một số bệnh da lại có nguyên nhân do ánh nắng hoặc nặng lên khi đi ra nắng.
Các bệnh da nhạy cảm ánh sáng như bệnh Lupus ban đỏ, viêm bì cơ nặng lên vào mùa hè. Bệnh porphirin da và pellagra cũng tổn thương nặng hơn khi vào hè. Một số bệnh gây ra do phơi nhiễm nhiều với ánh sáng mặt trời như: bệnh sẩn ngứa đa dạng do ánh sáng, viêm da ánh sáng, khô da sắc tố đều nặng hơn trong mùa hè và tổn thương da thường xuất hiện ở các vùng da hở…
Bôi kem chống nắng và đội mũ rộng vành chống tác hại của ánh nắng. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, theo BS. Hoàng Văn Tâm - Khoa Điều trị bệnh da nam giới, BV Da liễu Trung ương, nếu tiếp xúc với ánh sáng thường xuyên, liên tục, kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào đáy.
"Trong ánh nắng chứa rất nhiều tia cực tím (UVA, UVB), còn gọi là tia tử ngoại khiến da bị tổn thương và dẫn đến ung thư da. Các tia cực tím của ánh nắng cũng gậy tổn thương da và đẩy nhanh tốc độ lão hóa và tăng sắc tố tối màu trên da, dẫn tới sạm da, nếp nhăn, khô da, nám da và tàn nhang trên da... Do đó, việc dùng kem chống nắng là biện pháp tốt để ngăn chặn tác hại của ánh nắng mặt trời"- BS.Tâm khuyến cáo.
Để hạn chế tác hại do nắng nóng gây ra, các bác sĩ tư vấn người dân không nên đi ra ngoài trời trong những lúc nắng nóng gay gắt để tránh mạch máu bị co giãn đột ngột làm tăng huyết áp.
Ngoài bôi kem chống nắng, BS. Tâm tư vấn, nếu bắt buộc phải đi ra đường, người dân nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài chống nắng tốt, đeo kính chống nắng, khẩu trang… chống nóng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Không nên đột ngột đi từ trong phòng điều hòa ra ngoài trời nắng. Uống đủ nước, nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh để tránh bị viêm họng….