Hà Nội

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

21-04-2024 14:27 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Theo BS. Nguyễn Tuấn Anh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi mang thai, nhiệt độ cơ thể phụ nữ cao hơn bình thường, do đó nhiệt độ bên ngoài tăng thêm sẽ khiến cơ thể mẹ bầu cảm thấy khó chịu hơn. Do đó, mẹ bầu nên chú ý đến những cảnh báo về nhiệt độ mùa hè, nhất là cao điểm nắng nóng vì phụ nữ mang thai đã có khả năng không dung nạp nhiệt ở một mức độ nào đó.

1. Những nguy cơ sức khỏe với mẹ bầu khi thời tiết nắng nóng

Do những thay đổi về thể chất khi mang thai, như sự dao động nội tiết tố, mẹ bầu có xu hướng cảm thấy nóng hơn bất kể mùa nào, hơn nữa khi thời tiết nóng bức các hoạt động phải ra ngoài trời nắng khiến mẹ bầu có nguy cơ bị say nắng, kiệt sức vì nóng và mất nước cao hơn. Nếu để nhiệt độ cơ thể mẹ bầu cao 39 độ C có thể dẫn đến kiệt sức vì nóng, say nắng hoặc mất nước. Thậm chí, quá nóng cũng dẫn đến các kết quả bất lợi khi mang thai như sinh non, nhẹ cân, thai chết lưu và khuyết tật bẩm sinh.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?- Ảnh 1.

Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cơ thể cao khiến mẹ bầu có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe.

Mất nước

BS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, uống nước khi mang thai là rất quan trọng vì nhu cầu của cơ thể mẹ bầu ngày càng tăng. Không uống đủ chất lỏng có thể dẫn đến kiệt sức vì nóng và cũng có thể gây ra các cơn co thắt Braxton Hicks.

Dấu hiệu mất nước bao gồm:

  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Buồn nôn
  • Nhức đầu
  • Chuột rút cơ bắp
  • Khô miệng
  • Da ửng đỏ
  • Ớn lạnh
  • Táo bón
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Nhịp tim cao/huyết áp thấp

Bác sĩ cũng cảnh báo thêm, trong mùa hè nhiệt độ nóng làm tăng tốc độ mất nước nên việc uống quá ít hoặc quá nhiều nước dễ dẫn đến tình trạng gọi là nhiễm độc nước. Ngoài ra, việc uống quá nhiều nước có thể làm loãng chất điện giải nhiều hơn và có thể khiến cơ bắp mệt mỏi, chuột rút, trong trường hợp nghiêm trọng là chóng mặt và ngất xỉu. Điều đó gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm chuyển dạ sớm hoặc bong nhau thai, có thể cần phải sinh sớm.

Sưng tấy và phù

Khi mang thai, cơ thể giữ nhiều nước hơn, chất lỏng dư thừa trong cơ thể và áp lực từ tử cung đang phát triển có thể gây phù, đặc biệt là quanh mắt cá chân và bàn chân, là điều bình thường. Tuy nhiên, khi thời tiết nắng nóng, tình trạng sưng tấy sẽ càng rõ rệt hơn.

Phù quá mức do nhiệt được gọi là "phù nhiệt". Khi cơ thể gặp nhiệt độ quá cao, các mạch máu giãn nở, khiến dịch cơ thể di chuyển vào các mô, dẫn đến phù, sưng tấy. Tình trạng sưng tấy có xu hướng trở nên trầm trọng hơn khi ngày dự sinh của phụ nữ đến gần, đặc biệt là vào thời điểm cuối ngày và khi thời tiết nóng hơn.

Mặc dù sưng tấy đột ngột ở mặt hoặc tay có thể là dấu hiệu của tình trạng tiền sản giật nhưng sưng nhẹ ở mắt cá chân và bàn chân thường không gây lo ngại.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Ngoài tác hại của tia cực tím, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây nguy hiểm khi mang thai vì nó có thể gây ra tình trạng quá nóng và mất nước. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì khi mẹ bầu thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ như khuyết tật bẩm sinh do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, nhẹ cân... Vì vậy, khi mang thai, tốt nhất nên tránh ánh nắng trực tiếp. Tránh các hoạt động ngoài trời vào những giờ nắng nóng trong ngày.

2. Lời khuyên của bác sĩ để giảm tác hại của nắng nóng với mẹ bầu

Uống đủ nước

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?- Ảnh 3.

Để tránh mất nước khi mang thai nên uống đủ nước.

Khi mang thai trong tiết trời nắng nóng, điều quan trọng là mẹ bầu không để mất nước. Mẹ bầu hãy đặt mục tiêu uống 8 đến 12 cốc nước (khoảng 2,5 – 3 l nước) mỗi ngày. Nhớ uống nước đều đặn suốt cả ngày, có thể mỗi lần chỉ cần uống ít một, uống trước khi khát, đừng chờ đến khi khát mới uống.

Mặc dù nước lọc rất tốt cho mẹ bầu, thỉnh thoảng cũng nên thay thế nước lọc bằng nước trái cây tươi. Nước trái cây tươi là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt, nhưng hãy thận trọng với lượng đường bổ sung và chọn nước ép trái cây tự nhiên 100%. Nước dừa là thức uống giàu chất điện giải tự nhiên giúp bổ sung chất lỏng và khoáng chất bị mất qua mồ hôi. Nước rau quả tươi như cà rốt, dưa chuột, củ cải đường cung cấp nước và các vitamin, khoáng chất thiết yếu.

Để không mất nước, mẹ bầu nên tránh hoặc hạn chế đồ uống có chứa caffein và đường, chẳng hạn như soda, cà phê, trà, luôn mang theo một chai nước bên mình, đặc biệt khi tập thể dục hoặc khi di chuyển. Theo dõi màu nước tiểu, nếu là vàng nhạt hoặc trong là dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể đủ nước.

Không nên ở ngoài trời quá lâu và mặc đồ thoải mái, mát mẻ

Chọn thời gian ở ngoài trời vào những thời điểm mát mẻ trong ngày như sáng sớm và đầu giờ tối thay vì giữa trưa. Và khi đi ra ngoài, hãy bổ sung đủ nước bằng cách uống nhiều hơn mức khuyến nghị.

Hãy vào nhà hoặc nơi râm mát khi có dấu hiệu đầu tiên của tình trạng suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng hoặc khát nước quá mức. Lúc này nên uống một ít nước mát hoặc chất lỏng thay thế chất điện giải và nằm nghỉ ngơi.

Mẹ bầu nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để luôn thoải mái trong thời tiết nóng bức nhất. Vải cotton, vải lanh và tre thoáng khí là những loại vải lý tưởng để giữ mát. Màu sáng cũng giúp phản chiếu ánh sáng mặt trời và giúp mẹ bầu cảm thấy mát mẻ hơn so với màu tối. Tránh quần áo bó sát hoặc bất cứ thứ gì có thể hạn chế cử động hoặc gây khó chịu, làm tăng thêm vấn đề sưng tấy.

Giày dép thoải mái khi mang thai là điều cần thiết cho tất cả các mùa, đặc biệt là trong mùa hè, khi tình trạng phù chân và khó chịu thường xuyên hơn do nắng nóng. Giày dép phù hợp cũng có thể giúp ngăn ngừa té ngã và các chấn thương khác, có thể đặc biệt nguy hiểm khi mang thai. Tránh đi giày cao gót hoặc giày có mũi hẹp hoặc nhọn vì ảnh hưởng đến tình trạng phù, sưng tấy và khó chịu.

Sử dụng kem chống nắng (SPF 30+) khi ra ngoài

Tác dụng chống nắng là một phần quan trọng để bảo vệ mẹ bầu và thai nhi khỏi tác hại của tia UV. Khi chọn kem chống nắng cho bà bầu, hãy tìm loại có khả năng bảo vệ phổ rộng chống lại tia UVA và UVB. Chọn sản phẩm có chỉ số SPF ít nhất là 30 và đảm bảo sản phẩm có khả năng chống nước nếu định bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều. Thoa lại sau mỗi hai giờ hoặc sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều.

Mẹ bầu cũng có thể bảo vệ làn da của mình bằng cách mặc quần áo bảo hộ như mũ, kính râm và áo dài tay.

3. Khi nào cần gọi bác sĩ?

Mùa hè vẫn là thời điểm tốt để ra ngoài và tận hưởng thai kỳ nếu điều chỉnh đúng, nhiều hoạt động vẫn có thể được thực hiện trong thời kỳ mang thai chỉ với một vài thay đổi đơn giản để tình trạng quá nóng ảnh hưởng đến sức khỏe. Chú ý những dấu hiệu cho thấy cơ thể có thể bị mất nước hay nhận thấy dấu hiệu phù, sưng tấy, nhiệt độ trên 39 độ C hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác khiến bạn lo lắng, hãy nhớ liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Cái nắng nóng mùa hè có thể kiểm soát được nhưng nếu gặp tình trạng quá nóng dễ gây nguy hiểm cho thai kỳ. Vì vậy, hãy chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo mang thai cần gọi cho bác sĩ khi:

  • Các cơn co thắt hoặc chuột rút thường xuyên.
  • Chảy máu âm đạo.
  • Rò rỉ chất lỏng từ âm đạo.
  • Phù hay sưng tấy ở mặt hoặc tay (dấu hiệu tiền sản giật).
  • Nhức đầu hoặc mờ mắt (dấu hiệu tiền sản giật).
  • Thai nhi thiếu chuyển động.
  • Đau khi đi tiểu (có thể nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang hoặc thận).
  • Đau vùng chậu hoặc bụng (dấu hiệu tiền sản giật).
  • Đau lưng thấp, âm ỉ.
Cách cải thiện giấc ngủ với phụ nữ mang thaiCách cải thiện giấc ngủ với phụ nữ mang thai

SKĐS - Khi mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể mẹ bầu thường có nhiều biến động. Điều này là nguyên nhân chính khiến mẹ bầu buồn ngủ thường xuyên vào ban ngày, nhưng lại khó chợp mắt vào buổi đêm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Điều gì xảy ra với bà bầu khi nắng nóng kéo dài? | SKĐS


Mỹ Uyên
Ý kiến của bạn