Nắng nóng, mối nguy cho thai phụ và trẻ sơ sinh

28-05-2015 12:47 | Đời sống
google news

SKĐS-Đợt nắng nóng đầu tiên vừa qua, đợt nóng thứ hai đã kéo đến. Nhiệt độ cao không chỉ khiến người cao tuổi, trẻ em lao đao mà còn khiến phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cùng chịu chung cảnh ngộ.

Đợt nắng nóng đầu tiên vừa qua, đợt nóng thứ hai đã kéo đến. Nhiệt độ cao không chỉ khiến người cao tuổi, trẻ em lao đao mà còn khiến phụ nữ mang thaitrẻ sơ sinh cùng chịu chung cảnh ngộ. Khoa sản bệnh cũng như Khoa sơ sinh luôn duy trì số lượng bệnh nhân ở mức cao, gấp đôi so với số giường bệnh quy định.

Nhiệt độ môi trường là yếu tố thuận lợi khởi phát bệnh

Cháu Nguyễn Trà My, 16 ngày tuổi ở Sóc Sơn- Hà Nội có thân nhiệt cao, ho nên phải vào Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn điều trị ngày 13/6/2009. BS. Thái Bằng Giang, bác sĩ điều trị trực tiếp cho cháu My cho biết, Trà My nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiệt độ mà các bác sĩ đo được cho cháu liên tục thay đổi nhưng luôn ở mức cao 39,4oC, 38,8oC, 39,2oC kèm theo viêm phổi. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp hạ sốt cho cháu như chườm nước ấm, cho uống thuốc hạ sốt và điều trị tích cực các biểu hiện viêm phổi. Đến nay, sức khỏe của cháu My đã tạm ổn định, hết sốt, bú mẹ bình thường nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi và điều trị viêm phổi. Cháu My chỉ là một trong hàng nghìn bệnh nhi sơ sinh bị sốt, ho được điều trị tại bệnh viện. BSCKII. Phạm Đỗ Ngọc Diệp - Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết: Hiện tại, số bệnh nhi sơ sinh trong khoa rất đông, các cháu thường phải nằm ghép giường, bệnh lý chủ yếu là sốt kèm theo bội nhiễm ho, viêm phổi. Nguyên nhân thuận lợi khởi phát bệnh lý này ở trẻ sơ sinh là nhiệt độ môi trường. Ở trẻ sơ sinh, trung tâm điều nhiệt chưa hoàn thiện nên cơ thể chưa có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ môi trường bên ngoài, điều này thể hiện rất rõ khi nhiệt độ bên ngoài cao thì thân nhiệt của trẻ cũng tăng lên, khi nhiệt độ giảm thì thân nhiệt của trẻ cũng giảm theo.

Cho trẻ bú mẹ thường xuyên hơn khi trời nắng nóng.

Nguy cơ từ cơ thể thiếu nước

Cũng chịu ảnh hưởng của thời tiết nhưng không giống với trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai phải đối diện với nguy cơ tiền sản giật mà theo các nhà chuyên môn thì một trong những nguyên nhân quan trọng là cơ thể bị thiếu nước. ThS. Trần Danh Cường - Phó trưởng khoa Sản I - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Nhiệt độ môi trường thay đổi làm thay đổi sự chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, cơ thể bị mất nước qua mồ hôi, qua hơi thở mà không được bồi phụ đủ dẫn đến rối loạn chuyển hóa muối và nước ở những phụ nữ bị bệnh thận, tăng huyết áp mang thai làm cho mạch máu bánh rau co lại, dẫn đến thiếu máu bánh rau, tiền sản giật và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở phụ nữ có thai cũng được cảnh báo rất rõ do cơ thể không được bồi phụ đủ nước dẫn đến không bài tiết được nước tiểu gây ra hậu quả dọa đẻ non và đẻ non. Uống ít nước còn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiểu ối ở phụ nữ mang thai.

Khuyến cáo từ nhà chuyên môn

ThS. Trần Danh Cường cho biết thêm, đối với phụ nữ mang thai, vấn đề quan trọng nhất là uống đủ nước mỗi ngày nhằm bù vào lượng nước đã mất đi, tránh được những hậu quả do rối loạn chuyển hóa muối - nước gây ra vì đây là nguồn gốc gây ra tất cả những rối loạn ảnh hưởng đến bà mẹ và em bé. Phụ nữ mang thai không cần thiết phải uống nước i-ôn do loại nước này chỉ uống khi có sự chỉ định của bác sĩ thông qua việc tiếp nước, truyền nước. Không nên uống các loại nước ngọt, có ga vì chúng có chứa chất kích thích. Hơn nữa, phụ nữ mang thai vốn đã tăng đường huyết, nếu bổ sung thêm một lượng đường nữa sẽ làm gia tăng nguy cơ đái tháo đường thời kỳ thai nghén và nếu sử dụng chúng trong một thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe của người mẹ. Do vậy, nước uống tốt nhất không chỉ riêng với phụ nữ mang thai mà với tất cả mọi người là uống nước đun sôi để nguội, nước vô khuẩn đóng chai bình thường, không cần loại nước đắt tiền. Có thể uống thêm các loại nước mát như nước cam, mơ, nước chanh tươi... Ngoài việc uống nhiều nước, khoảng 1,8 đến 2 lít nước/ngày, phụ nữ có thai cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân như chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý đảm bảo sức khỏe, không nên đi ra đường vào thời điểm nhiệt độ tăng cao như giữa trưa.

Với trẻ sơ sinh người mẹ cần được trang bị đầy đủ kiến thức về chăm sóc con trẻ, cho trẻ bú mẹ thường xuyên hơn, bú mỗi khi trẻ có nhu cầu, giữ thân nhiệt cho trẻ ở mức độ vừa phải. BS. Diệp khuyên, nếu sử dụng quạt hay điều hòa thì cần theo dõi sát sao nhiệt độ cơ thể trẻ, luôn giữ cơ thể trẻ ấm, khô, khi cơ thể trẻ ấm như rơm rớm mồ hôi thì cần cảnh giác, lau khô cho trẻ vì để lâu dễ dẫn đến viêm phổi. Tránh để quạt máy thổi thẳng vào người trẻ, phòng điều hòa cần để 29 - 30oC. Tránh mặc cho trẻ nhiều quần áo mà nên mặc quần áo thoáng mát. Khi trẻ sốt cần thực hiện các biện pháp hạ sốt cho trẻ, không nên ủ ấm quá khiến nhiệt độ cơ thể trẻ tăng quá cao có thể dẫn đến co giật, rất nguy hiểm.

Nâng cao thể trạng cho bản thân và tăng cường sức khỏe cho mọi người là việc làm hết sức cần thiết phòng tránh những bệnh lý do thay đổi nhiệt độ gây ra.

Lê Thu Lương


Ý kiến của bạn