Hà Nội

Nắng nóng liên tục, đề phòng trẻ nhỏ, người già nhập viện vì bệnh đường hô hấp

03-06-2017 19:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10h-16h bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung  cho biết, nắng nóng gay gắt khiến lượng bệnh nhi đến khám tại bệnh viện trong mấy ngày gần đây tăng từ 10-15% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 3.200-3.500 bệnh nhi đến khám chủ yếu là các bệnh lý sốt vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…

“Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, bệnh viện cũng đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh và tổ chức đón tiếp từ 5 giờ sáng. Các bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhi từ 7 giờ sáng”- Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Rất đông bệnh nhân đang chờ khám chữa bệnh tại bệnh viện Nhi Trung ương

Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thường cho biết, lượng bệnh nhi cũng tăng nhẹ từ 5-7%. Điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hoà liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba, trung bình 3 ngày nay có khoảng gần 140 bệnh nhân đến khám/ngày, trong đó có khá nhiều bệnh nhi bị viêm đường hô hấp

Tại Bệnh viện Lão Khoa trung ương, chỉ trong hai ngày Hà Nội nắng nóng gay gắt, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám cũng gia tăng, mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 lượt bệnh nhân. Các bệnh chủ yếu như: Bệnh đường hô hấp, tai biến mạch máu não…

Tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đến thời điểm này chưa tiếp nhận ca sốc nhiệt nào. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương nắng nóng còn kéo dài và lên cao trong những ngày tới. Nguy cơ sốc nhiệt rất dễ xảy ra với những người phải đi ngoài đường.

TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốc nhiệt là tình trạng nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng người trẻ cũng dễ gặp.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương

Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng sốc nhiệt cũng có thể không có dấu hiệu báo trước. Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

Sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí hoặc nhà không được thông khí tốt khi nắng nóng. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người ở bất cứ lứa tuổi nào không uống đủ nước, có bệnh mạn tính hoặc những người uống quá nhiều bia, rượu. Trẻ em, người mắc các bệnh như tim, phổi, cao huyết áp… có nguy cơ dễ sốc nhiệt.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10h-16h bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Ngoài ra, nhiệt độ trong phòng điều hoà và ngoài trời không được để chênh lệch quá lớn, tốt nhất nên bật ở mức từ 25-27 độ C.

Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trong những ngày nắng nóng, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc tăng cường công tác y tế phòng, chống nắng nóng. Theo đó, đối với các bệnh viện trong và ngoài công lập, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo đảm việc chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện. Mặt khác, giảm quá tải tại khu vực khám bệnh, khu vực thu viện phí, khám theo lịch hẹn… để hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.

Đặc biệt, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện chú ý nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, không để bệnh nhân nằm ghép, chú ý công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện. Cùng với đó, các bệnh viện tổ chức tập huấn cho nhân viên về các biện pháp cấp cứu, xử lý các trường hợp say nóng, say nắng và các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng nóng

Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn