Hà Nội

Nắng nóng - Làm gì để không mắc bệnh?

04-06-2014 10:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong thời gian này, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao đột biến đã làm cho nhiều trẻ mắc bệnh phải đi khám hoặc nhập viện

Trong thời gian này, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao đột biến đã làm cho nhiều trẻ mắc bệnh phải đi khám hoặc nhập viện, nhất là thời điểm đang có một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ?

Nhiều bệnh dịch có thể xảy ra

Nắng nóng kéo dài làm cho trẻ dễ gặp phải một số bệnh, kể cả các bệnh nhiễm khuẩn gây dịch, nếu trẻ chưa có miễn dịch chống lại chúng. Trong khi đó, hiện nay, ở một số địa phương đang có một số bệnh có khả năng lây lan thành dịch như bệnh tay-chân-miệng, sởi, sốt xuất huyết hoặc thủy đậu. Đây là 4 bệnh đều có sốt, nổi ban, tương đối khó phân biệt khi ở một địa phương nào đó có ít nhất 2 bệnh trong số đó xảy ra cùng một lúc.

Tổn thương do viêm phế quản.

Tổn thương do viêm phế quản.

Viêm đường hô hấp: Bệnh viêm đường hô hấp thường có tính chất cấp tính, thậm chí nặng. Bệnh đường hô hấp có thể là viêm mũi họng, viêm VA, amiđan, thanh quản hoặc nặng hơn có thể là viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh viêm phổi cấp tính là một bệnh rất nan giải nhất là các vùng, miền ở xa cơ sở y tế. Viêm phổi cấp tính mùa nắng nóng có thể do vi khuẩn hoặc do virut nhưng tỷ lệ viêm phổi do virut thường chiếm tỷ lệ rất cao.

Tiêu chảy cấp: Bệnh tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, có thể do chế độ ăn uống của mùa nắng nóng hoặc do vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt. Một số trẻ bị tiêu chảy là do cùng gia đình đi nghỉ mát, ăn uống ở một số nhà hàng không đảm bảo vệ sinh gây viêm nhiễm đường ruột bởi vi sinh vật (vi khuẩn, virut, vi nấm) hoặc hóa chất. Trong các bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng thì đáng lưu ý nhất là tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, nước uống do đã bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là do vi khuẩn tả (V.cholerae) hoặc vi khuẩn E.coli hoặc vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella) hoặc do lỵ Amib (bệnh kiết lỵ) và có thể tiêu chảy do Rotavirus.

Bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu (N.meningitidis) hoặc do vi khuẩn H.influenzae cũng hay xảy ra vào mùa nắng nóng và nếu xảy ra thì sẽ gặp ở hầu hết những trẻ chưa có miễn dịch chống lại chúng. Virut viêm não Nhật Bản cũng như bệnh sốt xuất huyết muốn gây bệnh cho người phải nhờ đến muỗi truyền mầm bệnh. Vì vậy, nếu trẻ bị muỗi đốt thì rất có nguy cơ mắc bệnh.

Say nắng, nóng: Ngoài các bệnh viêm đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền thành dịch thì một số bệnh như say nóng, say nắng cũng có thể xảy ra vào mùa nắng nóng đối với trẻ do trẻ ham chơi ngoài trời nắng thiếu sự kiểm soát của người lớn. Đặc biệt là những trẻ được đi du lịch, tắm biển giữa trời nắng gay gắt, oi bức. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn đầu mùa nắng nóng năm nay, trên toàn quốc đã có một số trẻ bị đuối nước do tắm ao hồ, sông, suối, kênh rạch mà không có sự kiểm soát của người lớn.

Phòng bệnh mùa nắng nóng cho trẻ như thế nào?

Mùa nắng nóng cần có một chế độ ăn uống hợp lý, không nên xáo trộn quá mức so với chế độ ăn ở trường học với chế độ ăn ở gia đình. Mọi gia đình, lớp mẫu giáo, vườn trẻ, các cơ sở trông trẻ (ngay cả các cơ sở trông trẻ nhỏ lẻ) cần đặc biệt quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Không cho trẻ uống nước lã, nước chưa được đun sôi, không ăn quả xanh chưa được khử khuẩn. Cần vệ sinh sạch sẽ sàn nhà, đồ chơi của trẻ hàng ngày theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương (phường, xã). Cần vệ sinh tay cho trẻ trước khi ăn bằng cách rửa sạch bằng xà phòng dưới vòi nước sạch. Đối với trẻ lớn, cần hướng dẫn cho trẻ vệ sinh tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên tập cho trẻ có thói quen vệ sinh răng miệng, họng, bàn tay hàng ngày như đánh răng sau khi ăn, trước, sau khi ngủ dậy.

Không nên cho trẻ chơi, nghịch ngoài nắng gay gắt, nhất là vào buổi trưa, chiều và xế chiều. Nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ giáo dục học sinh, nhằm làm cho học sinh hiểu rõ tại sao không được tắm, bơi, chơi, đùa ở sông, suối, ao, hồ, bãi biển mà không có người lớn đi kèm. Các bậc phụ huynh cần nhắc nhở thường xuyên, thậm chí răn đe, nghiêm cấm trẻ bơi, tắm ở những nơi nguy hiểm. Những địa phương, nếu có điều kiện nên tổ chức dạy bơi cho trẻ. Cần tuyên truyền giáo dục mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh, các cô nuôi dạy trẻ, bảo mẫu cần cho trẻ nằm màn lúc đi ngủ (kể cả lúc ngủ ban ngày) để tránh muỗi đốt. Đồng thời hưởng ứng và tham gia tích cực tiêu diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng) với mọi hình thức mà y tế cơ sở phổ biến, yêu cầu.

Không nên cho quạt mát xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ ngủ cũng như lúc trẻ chơi và không nên để nhiệt độ điều hòa thấp quá (nên đặt chế độ 27- 28oC là vừa). Khi trẻ chơi mà ra mồ hôi nhiều làm ướt áo, quần thì cần thay cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh gây viêm đường hô hấp. Cần tiêm vaccin phòng bệnh cho trẻ, nhất là các loại vaccin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các loại vaccin được ngành y tế khuyến cáo nên dùng cho trẻ. Bởi vì tiêm vaccin là biện pháp hữu hiệu nhất phòng bệnh cho trẻ.

BS. Việt Bắc

 


Ý kiến của bạn