Mới đây, Bệnh viện (BV) Quốc tế Phúc An Khang (TP HCM) đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Lê Hoàng T. (38 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM) bị tai biến mạch máu não cấp. Chị T. nhập viện trong tình trạng xuất huyết não do cao huyết áp, lơ mơ, mất tri giác, bị liệt bán thân… Sau khi chị được cấp cứu hồi sức tích cực, tình trạng chảy máu não vẫn không dứt, đe dọa phù não, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật sọ não giải áp, nhờ vậy bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục dần nhưng chẩn đoán có xu hướng phù não nên đã can thiệp mạch vành cứu sống chị. Hiện chị T. đã dần bình phục và đang tập vật lý trị liệu.
Người trẻ bị đột quỵ gia tăng
Một trường hợp khác cũng bị đột quỵ hy hữu và may mắn được cứu sống. Đó là ông Mã Văn T. (62 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) - một diễn viên điện ảnh - đang đóng vai bệnh nhân điều trị đột quỵ tại BV Phúc An Khang.
Thấy cảnh ông T. ôm ngực, đau đầu, ngã quỵ…, đoàn phim tưởng ông nhập vai quá đạt nhưng sau đó mới tá hỏa vì phát hiện ông đột quỵ thật. Nhờ đang quay phim ở khuôn viên BV nên ông được chuyển cấp cứu, xử trí ngay trong “thời gian vàng”. Ông T. được cứu sống sau khi các bác sĩ tiến hành can thiệp nội mạch, nong mạch vành, đặt stent tại đoạn mạch bị tắc. “Không chỉ chết hụt trong phim mà tôi còn suýt chết thật ngoài đời. Cũng may là phim quay tại BV chứ nếu ở nơi khác chắc mình không còn cơ hội sống” - ông nhớ lại.
Tại các BV trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, ĐH Y Dược…, số bệnh nhân đột quỵ không ngừng tăng, đặc biệt vào những ngày nắng nóng vừa qua. Đơn cử, BV Nhân dân 115 luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân đột quỵ. Khoa Bệnh lý Mạch máu não của BV này chỉ kê 130 giường nhưng hiện có 160-170 bệnh nhân nằm điều trị, chưa kể mỗi ngày tiếp nhận trung bình 30 ca trở lên. Riêng trong tháng 4, khoa này đã tiếp nhận điều trị 775 ca. Các bệnh nhân đến từ Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai…
TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115, cho biết không lúc nào khoa vắng người bệnh, số này vừa được xuất viện thì đã có những người khác thay vào. Đáng lưu ý là số người trẻ bị đột quỵ gia tăng trong thời gian gần đây, chiếm 10%-15% tổng số bệnh nhân điều trị.
Trong khi đó, theo thống kê của BV Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, BV đã tiếp nhận 32 bệnh nhân đột quỵ. Bác sĩ Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV, cho biết số bệnh nhân đột quỵ ngụ tại TP HCM chiếm gần 57%, còn lại là ở các tỉnh. Nếu trong tháng 3 và 4-2014, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi 50 vào viện chiếm 75% thì cùng kỳ năm nay, con số này lên đến 91,2%.
Nắng nóng là tác nhân
Theo các chuyên gia, nắng nóng là tác nhân thúc đẩy các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, đặc biệt ở người cao tuổi. Nắng nóng khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, gây mất nước, giảm khối lượng máu, làm thiếu hụt lượng máu nuôi não dẫn đến đột quỵ não. Nắng nóng cũng làm tăng thân nhiệt, gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn hô hấp và tuần hoàn, suy giảm lượng máu nuôi não dẫn đến đột quỵ. Nắng nóng còn gây rối loạn hoạt động của hệ tim mạch, làm tim hoạt động kém, suy giảm hiệu suất tống máu, kèm theo sự giãn mạch, gây ra tình trạng thiếu máu nuôi não và nhiều cơ quan khác cũng dẫn đến đột quỵ.
Giới chuyên môn cho rằng người bị các bệnh mạn tính huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nên áp dụng sớm những biện pháp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Nên thay đổi lối sống, kiểm soát huyết áp, đường huyết, bổ sung thảo dược phòng chống gốc tự do, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông. Vào mùa nóng, nên cẩn trọng nếu đột nhiên cảm thấy hơi đau đầu, choáng váng, tê nửa người... Những biểu hiện này rất có thể là triệu chứng báo trước khả năng phát sinh đột quỵ.
Bác sĩ Trần Chí Cường, Trưởng Khoa Can thiệp mạch máu BV ĐH Y Dược TP HCM, cho biết đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Trong trường hợp đột quỵ, nếu bệnh nhân được cấp cứu sớm trong 10-15 phút thì khả năng sống sẽ tăng thêm 30%. “Khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ, tốt nhất người bệnh cần được đưa đến BV gần nhất, đừng trì hoãn vì sẽ làm mất “thời gian vàng” - vốn là điều kiện cần có để cứu sống các tế bào não, cứu sống bệnh nhân” - TS-BS Nguyễn Huy Thắng lưu ý.
Sau bệnh lý tim mạch và ung thư, đột quỵ là căn bệnh gây tử vong cao thứ 3. TS-BS Nguyễn Huy Thắng cho biết trong số bệnh nhân nam giới trẻ tuổi bị đột quỵ mà BV Nhân dân 115 ghi nhận, có 90% người hút thuốc lá và 50% sử dụng bia rượu.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH