Hà Nội

Nắng nóng đỉnh điểm, nguy cơ sốc nhiệt, mất nước với bệnh nhân tim mạch

23-06-2020 20:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng là một trở ngại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh tim mạch.

Tại khu vực Hà Nội, từ ngày 23/6 đến 24/6, có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng là một trở ngại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, suy tim, hẹp động mạch vành…), nếu những người bệnh này không lưu ý để có chế độ sinh hoạt phù hợp và tuân thủ điều trị có thể dẫn đến những hậu quả xấu.

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hằng – Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) chia sẻ,: "Trong mùa hè, nhất là những ngày nóng nực như những ngày hôm nay thì dễ xảy ra tình trạng mất nước và sốc nhiệt. Tốt nhất, nếu không có việc gì cần thiết thì người cao tuổi nên ở nhà, nên thường xuyên ở trong môi trường có nhiệt độ càng ổn định càng tốt, hạn chế tối đa việc ra đường, nhất là trong thời gian từ 12h-16h hàng ngày.

Để tránh mất nước và rối loạn điện giải trong những ngày nắng nóng, người bệnh cần uống nhiều nước, trừ bệnh nhân suy tim. Uống nước nhiều lần trong ngày để giúp cơ thể không bị thiếu nước, không bị cô đặc máu. Người bệnh cũng không nên ăn quá no, ăn các thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn hoa quả và rau xanh, hạn chế muối, không sử dụng bia rượu. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm mồ hôi.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân tại BV Hữu Nghị.

Khi nắng nóng, huyết áp thường tăng, nhịp tim tăng, tim phải gắng sức, sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ ôxy của tế bào cơ tim nên dễ dẫn đến gây cơn đau thắt ngực, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim và tử vong. Vì vậy tránh làm các việc nặng, gắng sức hay tập thể dục quá nhiều và cần uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ đã kê.

Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, huyết áp cao thì phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những biến cố tim mạch như: cơn tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ... sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hằng khuyến cáo, nắng nóng gay gắt là mối nguy hại cho người bệnh tim mạch, thường xuất hiện nhiều biến chứng phức tạp làm bệnh thêm nặng và xuất hiện nhiều biến chứng phức tạp. Vì vậy người có bệnh tim mạch cần thận trọng để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Dự báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 24/6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ trời tiếp tục nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi 41-42 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ. Nắng nóng ở các khu vực còn kéo dài trong nhiều ngày tới, riêng khu vực Bắc Bộ nắng nóng dịu bớt trong ngày 25 và 26/6.
Khu vực Hà Nội, ngày 24/6, có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Ngày 24/6, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 9-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn