Hà Nội

Nắng nóng, dịch bệnh lại “nóng”

15-05-2014 20:39 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Y tế triển khai hệ thống trực tuyến ghi nhận bệnh nhân truyền nhiễm mùa nắng nóng.

Bộ Y tế triển khai hệ thống trực tuyến ghi nhận bệnh nhân truyền nhiễm mùa nắng nóng.

Từ ngày 15/5, có thêm 10 tỉnh, thành phố trọng điểm tiêm bổ sung vaccin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi.

Mới đầu mùa hè, người dân đã phải đi khám bệnh rất đông. Ảnh: T.Minh

Miền Bắc: Người già - trẻ nhỏ mắc nhiều các bệnh về huyết áp, đột quỵ, rối loạn tiêu hóa, hô hấp

Ngày 15/5, có mặt trực tiếp tại BV Lão khoa TW, PV báo SK&ĐS đã ghi nhận rất nhiều bệnh nhân là người cao tuổi đến thăm khám tại BV. Trao đổi với ThS. Trần Lực - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV, được biết, trong mấy ngày nắng nóng gần đây, số lượng BN đến khám bệnh tăng khoảng 25% so với ngày thường. Trong đó, một số bệnh điển hình vào cấp cứu là: tim mạch (đột quỵ; THA; suy tim...); bệnh hô hấp (viêm phế quản; viêm phổi tắc nghẽn; hen phế quản...); bệnh tâm thần kinh; bệnh suy nhược cơ thể... Theo đó, để phòng tránh các bệnh xảy ra trong mùa nắng nóng với người cao tuổi, các chuyên gia khuyến cáo, với người già, người cao tuổi, cần ăn đầy đủ dinh dưỡng; uống nước nhiều lần trong ngày; Tránh ra đường khi ngoài trời nắng to, ở phòng điều hòa có nhiệt độ phù hợp; Tập thể dục nhẹ nhàng buổi sáng sớm khi chưa có nắng gắt, lao động nhẹ nhàng, tránh đổ mồ hôi nhiều; Nếu bệnh nhân mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, phải uống thuốc đều đặn hàng ngày theo đơn của BS.

Tại Khoa Khám bệnh, trao đổi với BSCKI. Trần Đình Long được biết: Thời điểm bình thường, hàng ngày, tại Khoa Khám bệnh, BS. Long khám cho khoảng 60 bệnh nhân, nhưng trong những ngày nắng nóng này, tại Khoa, các BS phải gồng mình lên với số bệnh nhân vượt trội so với hàng ngày.

Tại BV Nhi TW, trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS chiều ngày 15/5, BS. Trần Văn Học - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi TW cho biết, trong mấy ngày nắng nóng gần đây, số lượng bệnh nhi đến thăm khám tại BV chưa có sự gia tăng đột biến so với trước đó, chỉ tăng khoảng trên dưới 100 bệnh nhân/ngày. Đa số các trường hợp bệnh nhân đến khám đều mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm phế quản, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn...

TP.HCM: Tập trung nguồn lực để phòng, chống và dập dịch hiệu quả

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trong buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vào ngày 15/5. Để trực tiếp nắm tình hình các loại dịch bệnh, đoàn công tác Bộ Y tế đã tiến hành thăm và kiểm tra tại các Khoa Nhiễm của BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2.

Người cao tuổi đang KCB tại Bệnh viện Lão khoa TW. Ảnh: Trần Lâm

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, TP đã có 1.600 ca mắc sởi, chưa ghi nhận ca nào tử vong. Riêng bệnh SXH, tuy chưa phải giai đoạn cao điểm nhưng ghi nhận số ca bệnh nhập viện nhiều tuần qua đều cao hơn cùng kỳ năm 2013 (30,5%). Hiện số ca mắc SXH nhập viện đã lên tới gần 2.950 ca. Thủy đậu cũng có số ca tăng liên tục, hiện đã có 548 ca nhập viện. Đáng chú ý, số ca nhập viện vì TCM tại các BV ở TP.HCM đã gần 3.400 ca và còn tiếp tục tăng cao. TCM được cảnh báo đã bước vào mùa dịch và có thể lên tới đỉnh dịch vào giữa tháng 6. Nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch, có thể bệnh sẽ tăng liên tục cho đến cuối năm nay.

Đánh giá và chỉ đạo công tác phòng chống dịch của TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, các BV như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt đới là tuyến cuối và phải tiếp nhận điều trị rất nhiều ca bệnh từ tuyến tỉnh, trong đó có không ít ca biến chứng nhưng vẫn đảm bảo công tác điều trị khá tốt, không để xảy ra tử vong. Bên cạnh đó còn làm tốt công tác tập huấn điều trị cho các địa phương.

Các BV phải tăng cường phòng chống nắng, nóng cho người bệnh

Để các cơ sở KCB chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa nắng nóng, ngày 15/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn yêu cầu các BV tăng cường công tác KCB, phòng tránh tác hại nắng nóng mùa hè đến sức khỏe người dân. Theo đó, Giám đốc các BV, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng Y tế các ngành tích cực tuyên truyền cho nhân dân, chủ lao động trên địa bàn hiểu và phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe...

Bộ Y tế cũng yêu cầu, tại khoa khám bệnh, khoa điều trị phải bảo đảm bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Tại khoa điều trị, hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện. Bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng...

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, cũng trong ngày 15/5, Bộ Y tế đã có Công văn số 2615/BYT-KCB yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành từ ngày 15/5, tổ chức ghi nhận hàng ngày các ca bệnh truyền nhiễm nhập viện trên hệ thống trực tuyến tại BV do Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế chủ trì, gồm: các ca bệnh sởi, SXH, TCM, viêm màng não do não mô cầu tại thời điểm nhập viện và cập nhật lần cuối khi người bệnh ra viện. Đối với ca bệnh nặng có biến chứng, thở ôxy, thở máy, điều trị tích cực, suy gan, suy thận..., phải cập nhật thông tin hàng ngày tình hình trạng bệnh hiện tại, diễn biến, kết quả xét nghiệm đặc hiệu. Riêng đối với bệnh sởi, bố trí nhân lực phù hợp ghi nhận hồi cứu toàn bộ các ca bệnh sởi nhập viện có chẩn đoán xác định trên lâm sàng hoặc xét nghiệm kể từ ngày 01/01/2014, gồm cả các ca tử vong.

T.Bình - T.Lâm - T.Nguyễn

Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch

Chiều ngày 15/5, tại Bộ Y tế, GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi. Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9, trong tuần không ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người. Đối với bệnh sởi, trong tuần cả nước ghi nhận 4.462 trường hợp mắc sởi trong số 19.739 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Số mắc sởi hiện đã chững lại, không ghi nhận ca tử vong. Đối với bệnh tay - chân - miệng, trong tuần cả nước có 1.195 trường hợp mắc tại 50 địa phương, không có tử vong, so với tuần trước giảm 10,4%. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo các BV thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch. Theo đó, tập trung giảm tử vong và đề phòng lây chéo là ưu tiên hàng đầu, đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh.

Trần Lâm

 

Truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa hè là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp với các đơn vị chức năng về việc triển khai kế hoạch truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè diễn ra chiều 15/5. Tại cuộc họp, Thứ trưởng giao Vụ Truyền thông - Thi đua - Khen thưởng làm đầu mối đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch trên và tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ đề phòng, chống dịch bệnh mùa hè. Khẩn trương triển khai thực hiện việc thông tin về phòng chống dịch bệnh mùa hè trên các mạng di động. Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng chống dịch bệnh.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẩn trương đưa ra các thông điệp về cách phòng chống, điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc một số bệnh mùa hè, đặc biệt là các bệnh đang nổi như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, tiêu chảy, cúm, viêm não virut... Cục Y tế dự phòng cũng được giao làm đầu mối phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè trong các trường học, mẫu giáo, mầm non.

Hạ Hiền

 

 


Ý kiến của bạn