3 ngày tới nắng nóng sẽ đặc biệt gay gắt
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết liên tiếp trong 3 ngày 28/4, 29/4 và 30/4 sẽ diễn ra nắng nóng cực kỳ gay gắt trên phạm vi cả nước. Dự báo trong 3 ngày liên tiếp này, các kỷ lục về nhiệt độ từng được ghi nhận trước đây sẽ bị xô đổ. Đặc biệt lần đầu tiên nước ta có thể ghi nhận nhiệt độ đo trong lều khí tượng lên đến 45 độ C trong ngày 30/4.
Dưới đây là dự báo nhiệt độ cực đại cho các địa điểm cụ thể ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong khung giờ 13h-15h ngày 30/4 - ngày nóng nhất trong đợt nóng này: Hà Nội: 41 độ C; Thái Nguyên: 40 độ C; Yên Thế - Bắc Giang: 42 độ C; Sơn Tây: 41 độ C; Hưng Yên: 41 độ C; Quan Sơn -Thanh Hóa: 43 độ C; Nông Cống - Thanh Hóa: 43 độ C; Quỳ Hợp - Nghệ An: 45 độ C; Yên Thành - Nghệ An: 45 độ C; Đô Lương, Thanh Chương - Nghệ An: 45 độ C; Cửa Lò - Nghệ An: 41 độ C; Vinh - Nghệ An: 43 độ C; Hà Tĩnh: 43 độ C; Đồng Lê: 44 độ C; phía Tây tỉnh Quảng Bình: 42-43 độ C; phía Đông tỉnh Quảng Bình: 40 độ C; trung du Quảng Trị: 43- 44 độ C; Trà My, Quảng Nam: 43 độ C; Ba Tơ, Quảng Ngãi: 43 độ C; Khu vực giáp phía Tây các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: 40-42 độ C; TPHCM và vùng lân cận: 40-41 độ C; Đồng bằng Sông Cửu Long: 39-41 độ C.
TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, điều may mắn, trong đợt nắng nóng này, các khu vực ven biển (cách biển 20-30km) ít chịu chi phối của áp thấp nóng phía Tây hơn nên nền nhiệt dù cao cũng chưa phá kỷ lục. Dịp này mọi người du lịch về vùng ven biển miền Trung vẫn có thể ra biển buổi sáng đến 9h00 và chiều từ 16h00.
Chuyên gia khuyến cáo, nhiệt độ dự báo ở trên là nhiệt độ khí tượng. Nhiệt độ thực tế ngoài môi trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn phụ thuộc từng loại môi trường. Chẳng hạn trong bóng cây nhiệt độ có thể thấp hơn 3-4 độ C, ngoài trời ở khu đô thị thiếu cây có thể lên đến 48-50 độ C.
Đợt nắng nóng này vừa cực đoan về cường độ, vừa kéo dài nên nền nhiệt bị tích tụ trong những ngày cuối của đợt nóng khiến không khí ngột ngạt. Người già, trẻ em tuyệt đối không ra ngoài trời ở khung giờ từ 11h trưa đến 4 giờ chiều ở những nơi có nhiệt độ lớn hơn 43 độ C. Ngưỡng chịu đựng về nhiệt độ của con người có giới hạn trong khi chúng ta chưa từng trải nghiệm kỷ lục nhiệt độ này nên cần cẩn trọng, thích ứng dần dần.
Mọi người lưu ý sử dụng tiết kiệm nước và điện. Nhà có nhiều điều hòa chỉ nên bật 1 cái cả nhà sinh hoạt chung, vừa tiết kiệm điện, vừa giảm nguy cơ quá tải đường truyền tải điện.
Nắng nóng kéo dài hết đợt nghỉ lễ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 28/4, khu vực Sơn La, Hòa Bình và từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 38-41 độ, có nơi trên 41 độ như: Yên Châu (Sơn La) 41.8 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 42.4 độ, Đồng Hới (Quảng Bình) 42.0 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 43.2 độ, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 41.0 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 30-35%; các nơi khác thuộc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.
Ngày mai (29/4), khu vực Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ, có nơi trên 42 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-35%.
Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 45-50%.
Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 50-55%.
Nắng nóng có khả năng giảm dần từ khoảng ngày 01-02/5 ở Bắc Bộ và Trung Bộ; từ khoảng ngày 04-05/5 ở Tây Nguyên và Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần uống đủ nước, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Cần hạn chế ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ. Nếu bắt buộc phải ngoài trời thì cần che chắn cơ thể cẩn thận, nhằm hạn chế tiếp xúc với nắng.
Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột. Trước khi ra ngoài cần tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Bên cạnh đó, người dân nên tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày, uống đủ nước, song song với rèn luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng.
Những người thường xuyên lao động ngoài trời cần hạn chế diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy bằng cách đội mũ, đeo kính, mặc đồ bảo hộ. Người dân có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Những người bị đổ nhiều mồ hôi cần cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vitamin là một cách tăng cường đề kháng để cơ thể mọi người khỏe mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 28/4 | SKĐS