Bé trai Nguyễn Thái S. (13 tuổi, ở Phù Ninh, Phú Thọ) đi tắm sông bị đuối nước. Sau khi được người dân sơ cứu và Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh cấp cứu ban đầu, đặt ống nội khí quản thở máy, S. được gia đình chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng ý thức lơ mơ, oxy hóa máu giảm thấp do phổi bị tổn thương nặng trong quá trình đuối nước. Ngay lập tức S. đã được các bác sĩ áp dụng các biện pháp điều trị tích cực: thở máy theo ARDS net; lọc máu liên tục; kháng sinh; hỗ trợ dinh dưỡng...
Sau hai ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bé S. mới dần ổn định, ý thức tỉnh táo hoàn toàn, oxy hóa máu dần cải thiện. Ngày thứ 3 sau điều trị, bé đã cai được máy thở, rút ống nội khí quản, đáp ứng tốt, và có thể ra viện.
Không chỉ trẻ nhỏ, anh Ngô Xuân H, (33 tuổi, ở Lâm Thao, Phú Thọ) cũng nhập viện trong tình trạng hôn mê, oxy hóa máu giảm rất thấp, toan chuyển hóa nặng, kèm theo tình trạng rối loạn nhịp tim rất nặng.
Sau khi được các bác sĩ Khoa Hồi tích cức sức áp dụng các biện pháp điều trị tích cực: thở máy theo ARDS net; lọc máu liên tục; điều chỉnh rối loạn toan kiềm; kháng sinh chống nhiễm khuẩn; hỗ trợ dinh dưỡng... Tình trạng người bệnh H. đã dần ổn định sau ba ngày điều trị và có thể ra viện trong vài ngày tới.
BS. Đinh Văn Trung - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: "Cả hai trường hợp đều là những người bệnh rất trẻ, bị đuối nước và có tổn thương phổi rất nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trên phim chụp cắt lớp vi tính có tổn thương lan tỏa cả hai bên, tiên lượng rất nặng. Dưới sự điều trị tích cực bằng các biện pháp tốt nhất của các bác sĩ, cả hai người bệnh đã được cứu sống thành công".
Điều trị cho bệnh nhân đuối nước.
Đừng nghĩ người không biết bơi mới đuối nước
Theo các bác sĩ, đuối nước là một tình trạng rất thường gặp, nhất là vào mùa hè, xảy ra trong khi tham gia các hoạt động dưới nước. Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo cũng có thể bị đuối nước.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong.
BS. Trung khuyến cáo, khi gặp nạn nhân bị đuối nước phải nhanh chóng đưa người bệnh lên bờ. Cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của người bệnh. Nếu người bệnh bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi người bệnh có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Trên đường đi vẫn phải cấp cứu cho người bệnh để đảm bảo hô hấp và tuần hoàn. Trong trường hợp người bệnh khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Tuy nhiên, vấn đề chính lúc này là do bệnh nhân bị chìm lâu trong nước, nước vào đường thở, thiếu oxy, gây suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim nên cấp cứu ngừng thở, ngừng tim là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống của nạn nhân. Quan trọng nhất lúc này là cấp cứu cơ bản gồm hà hơi, thổi ngạt, ép tim để cấp oxy cho não. Vác lên chạy, hay dốc ngược bệnh nhân để ọc nước ra làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân.
Hãy nhớ nguyên tắc, thấy một người đuối nước, không được phép biến mình trở thành nạn nhân thứ 2. Thấy người đuối nước mà không biết bơi, hãy gọi hỗ trợ thay vì nhảy xuống cứu bệnh nhân vì khi đó, hậu quả tăng gấp đôi.
Khi vớt được bệnh nhân hãy đánh giá bệnh nhân, gọi hỏi xem có đáp ứng không. Nếu đáp ứng, trả lời tốt đưa về tư thế hồi phục, nằm nghiêng sang một bên. Khi gọi hỏi không đáp ứng, ngay lập tức hô lớn, gọi người hỗ trợ rồi nhanh chóng mở thông đường thở.