Nắng nóng chăm sao cho con khỏe?

04-06-2020 21:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Khí hậu nắng nóng như hiện nay làm cho số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao một cách đột biến. Trong đó bệnh lý thường gặp nhất là viêm đường hô hấp và tiêu chảy. Một số dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết , viêm não nhật bản có nguy cơ xuất hiện ....

Trong khi đó hệ miễn dịch của trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Trước tiên, để phòng bệnh cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Bên cạnh đó, cần theo dõi và có biện pháp để giữ gìn sức khỏe bằng cách gợi ý sau đây.

Ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm: Dinh dưỡng thích hợp gồm đủ bốn nhóm thức ăn là rau quả, ngũ cốc, chất béo, đạm, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm (tốt nhất là có trên 10 loại thực phẩm), khi đó các chất dinh dưỡng sẽ bổ sung từ các loại thức ăn khác nhau, giúp cho giá trị sử dụng của thức ăn sẽ tăng lên. Bữa ăn có thành phần dinh dưỡng hợp lý là bữa ăn có đủ từ 4 nhóm thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng và ở tỷ lệ thích hợp.

Mùa nóng, thời tiết oi bức nên dinh dưỡng cho bé cần các thực phẩm tươi mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể. Cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau dền, rau muống, bí... chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé.

Cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm

Các thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, sò, hàu, hến, đậu đỗ… sẽ cung cấp cho bé chất đạm và nhiều dưỡng chất quan trọng như kẽm, sắt, canxi…

Trái cây tươi, sữa chua, hành, tỏi, bông cải xanh, cà chua, rau gia vị (tía tô, kinh giới, thì là…) cũng đóng góp cho hệ miễn dịch, sự ngon miệng và giúp trẻ phát triển cơ xương và góp rất tốt cho hệ miễn dịch của trẻ.

Mùa nóng là mùa có nhiều loại trái cây và rau quả như dưa chuột, cà chua, rau diếp, đậu lăng ... giàu vitamin C, carotene và muối khoáng.

Sữa sẽ khiến trẻ ngủ ngon và sâu hơn nhờ chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là canxi, tryptophan, taurin… có tác dụng ổn định thần kinh giúp trẻ thư giãn và dễ ngủ. Bữa ăn của bé cần chia nhỏ và có nhiều canh rau, ít dầu mỡ... bên cạnh đó các bà mẹ có thể cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan...Các chuyên gia cho rằng phải đa dạng chế độ ăn uống của trẻ với đủ các loại trái cây, rau, đậu, ngũ cốc, trứng, thịt, sữa và các thực phẩm khác trong bữa ăn hàng ngày để duy trì cân bằng dinh dưỡng. Cho trẻ ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa và ít dầu mỡ…

Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ. Phụ huynh nên sử dụng quạt máy, máy lạnh hợp lý để bé không bị nóng nhưng cũng không bị tác hại từ việc sử dụng quạt máy, máy lạnh không đúng cách. Đối với trẻ sơ sinh không nên lạm dụng quạt máy, máy lạnh vì trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm lạnh hơn trẻ lớn.

Tăng cường các hoạt động thể lực có lợi cho sức khỏe. Cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ giúp nâng cao sức khỏe.   Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian vận động thể lực được khuyến nghị như sau: Đối với trẻ em 1 - 5 tuổi: vận động thể lực ít nhất 3 giờ mỗi ngày. Đối với trẻ em 5 - 17 tuổi: ít nhất 60 phút vận động cường độ trung bình và mạnh hằng ngày. Chủ yếu là vận động dạng hiếu khí. Vận động cường độ mạnh nên bao gồm các hình thức làm mạnh khối cơ, tối thiểu 3 lần mỗi tuần. Chú ý không cho trẻ hoạt động dưới trời nắng nóng.

Tránh tiếp xúc nguồn bệnh: Trẻ càng nhỏ sức đề kháng yếu nên khả năng lây bệnh càng cao, do đó không nên đưa trẻ đến những nơi đông đúc. Cần tránh cho trẻ, nhất là dưới 24 tháng tuổi, tiếp xúc gần gũi với người lớn và trẻ lớn đang bị cảm ho dù là thông thường. Lưu ý bỏ thói quen hôn hít nựng trẻ nhiều vì vô tình lây bệnh đường hô hấp cho trẻ nhất là trẻ nhũ nhi.

Rửa tay rất quan trọng phòng ngừa lây bệnh. Cần vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên để tránh nhiễm trùng. Hơn nữa, thói quen ngoáy mũi và bú tay của trẻ cần được khắc phục triệt để.   Các bậc phụ huynh nên chú ý việc rửa tay cho trẻ.. Rửa tay là biện pháp hữu hiệu phòng lây bệnh tay chân miệng. Ngoài ra rửa tay cũng có thể phòng ngừa nhiều bệnh khác, trong đó có bệnh hô hấp. Gần đây nhất người ta đã chứng minh được việc này rất hữu hiệu trong phòng bệnh viêm tiểu phế quản.

Riêng trẻ bị hen suyễn: cần giữ ấm trẻ, tránh các yếu tố khởi phát như khói thuốc lá, bụi nhà, thuốc xịt phòng, chó mèo, thú nhồi bông,... và thực hiện phun khí dung hay xịt thuốc phòng ngừa cơn theo hướng dẫn của bác sĩ, cũng như tái khám định kỳ theo hẹn.

Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt, phát ban, ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy…, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được khám toàn diện, chẩn đoán và đều trị kịp thời.



BS. Diễm Kiều
Ý kiến của bạn