Nắng nóng cảnh giác với tình trạng mất nước, rối loạn điện giải

03-06-2023 15:16 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mùa hè nắng nóng gay gắt, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời, tham gia giao thông,... dẫn đến tình trạng mất nước do nắng, nhất là những người làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng cao như: Thợ xây, sơn, hàn ở công trường, làm đồng áng, thợ khuân vác… khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.

Suy thận cấp do mất nước, rối loạn điện giải

Những ngày nắng nóng kéo dài vừa qua, đã có nhiều bệnh nhân nhập viện do suy kiệt cơ thể, mất nước, rối loạn điện giải.

‎Điển hình là nam bệnh nhân T,V.Đ, 30 tuổi, được người nhà đưa vào viện với biểu hiện hoa mắt, co quắp,, mỏi cơ toàn thân, nhức đầu, da lạnh ẩm, ướt mồ hôi, buồn nôn, nôn nhiều lần sau ăn.

Châu Á trải qua tháng 5 nắng nóng kỷ lục do biến đổi khí hậuChâu Á trải qua tháng 5 nắng nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học nhấn mạnh nắng nóng cực đoan tại châu Á sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu không ngừng và con người cần phải làm quen và ứng phó với tình trạng này.

Theo lời kể của người nhà, trước thời điểm nhập viện anh D. lao động ở công trường xây dựng ngoài trời nắng nóng nhiều giờ. Tại thời điểm tiếp nhận, khám lâm sàng cho thấy, bệnh nhân mạch nhanh nhỏ, hồi hộp đánh trống ngực, vô niệu… Kết quả cận lâm sàng cho thấy người bệnh có tình trạng cô đặc máu nhiều, rối loạn điện giải, suy thận cấp.

Anh Đ đã được chẩn đoán suy thận cấp chức năng do mất nước, rối loạn điện giải nên được truyền dịch, bù nước và điều chỉnh điện giải. Ba ngày sau điều trị chức năng thận của người bệnh đã trở về bình thường và được xuất viện.

Đây là một trong các trường hợp may mắn được phát hiện, điều trị sớm kịp thời. Đã có người bệnh phát hiện muộn, diễn tiến nặng thành suy thận cấp phải lọc máu cấp cứu, thậm chí có người bệnh đã tử vong.

Nắng nóng cảnh giác với tình trạng mất nước, rối loạn điện giải - Ảnh 1.

Nếu có biểu hiện mất nước nên đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Dấu hiệu mất nước cần phát hiện sớm

Mùa nắng nóng, nhiều người mải làm, cố chịu đựng nên khiến tình trạng mất nước xảy ra.

Các biểu hiện mất nước có thể nhẹ (chẳng hạn như khát nước tăng lên) hoặc nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, tùy thuộc vào mức độ mất nước.

Các phản ứng ban đầu của cơ thể đối với tình trạng mất nước là "khát nước" (để tăng lượng nước vào) và "giảm lượng nước tiểu" (để cố gắng duy trì lượng nước mất đi). Nước tiểu sẽ trở nên cô đặc và có màu vàng hơn.

Khi mức độ mất nước tăng lên, nhiều triệu chứng có thể trở nên rõ ràng hơn, như: Khô miệng, ngừng chảy nước mắt, ngừng đổ mồ hôi, chuột rút, buồn nôn và nôn mửa, tim đập nhanh, chóng mặt (đặc biệt là khi đứng), giảm lượng nước tiểu,....

Nếu tình trạng mất nước nghiêm trọng, sẽ gây nên tình trạng người bệnh lú lẫn và suy nhược do não và các cơ quan khác trong cơ thể nhận được ít máu hơn. Và nặng hơn nữa, tình trạng mất nước vẫn không được điều trị, có thể dẫn đến hôn mê, suy nội tạng và tử vong.

Mất nước có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Tình trạng mất nước có thể gây các biến chứng nguy hiểm, trong đó có biến chứng hay gặp như sau:

- Biến chứng suy thận cấp:

Khi tình trạng mất nước tiến triển, thể tích chất lỏng trong cơ thể giảm và huyết áp có thể giảm, làm giảm lưu lượng máu đến thận gây suy chức năng thận. Suy thận cấp do mất nước là một biến chứng phổ biến, có thể hồi phục nếu được điều trị sớm.

Nắng nóng cảnh giác với tình trạng mất nước, rối loạn điện giải - Ảnh 2.

Cần uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.

- Có thể hôn mê:

Khi bị mất nước nghiêm trọng, nguồn cung cấp máu lên não giảm có thể gây ra lú lẫn, thậm chí hôn mê. Rối loạn natri máu cấp tính cũng có thể gây tổn thương tế bào não, dẫn đến hôn mê.

- Mất nước có thể gây sốc:

Khi lượng chất lỏng mất đi vượt quá khả năng bù đắp của cơ thể thì có thể gây ra sốc giảm thể tích, khiến cho lưu lượng máu và việc cung cấp Oxy đến các cơ quan quan trọng của cơ thể không đầy đủ và chức năng tế bào và cơ quan này có thể bị tổn thương. Nếu các cơ quan bắt đầu rối loạn hoạt động thì có thể dẫn đến tử vong.

- Có thể đột quỵ do nhiệt:

Khi mất nước gia tăng, có thể xuất hiện các triệu chứng kiệt sức do nhiệt (suy nhược, choáng váng, buồn nôn, nôn). Nếu không kịp thời di chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nhiệt độ cao và bù nước thì có thể tiến triển thành đột quỵ do nhiệt. Lúc này, bệnh nhân sẽ ngừng đổ mồ hôi, lú lẫn hoặc hôn mê, thân nhiệt có thể tăng lên 41ºC hoặc cao hơn.

- Biến chứng rối loạn điện giải:

Khi bị mất nước do nắng nóng, các khoáng chất quan trọng (như Natri, Kali và Clorua) bị mất khỏi cơ thể qua mồ hôi. Bất thường về điện giải có thể gây ra nhiều triệu chứng bệnh lý nguy hiểm. Ví dụ: Mất một lượng đáng kể Kali sẽ gây ra yếu cơ và rối loạn nhịp tim; Hạ Natri máu cấp tính có thể gây phù não, dẫn đến hôn mê và tử vong,…

Lời khuyên thầy thuốc

Các biện pháp phòng chống mất nước mùa nóng cần ghi nhớ là khi phải ra ngoài lúc trời nắng nóng cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

- Cần uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát.

- Với người lao động mất nhiều mồ hôi có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch Oresol, nước trái cây, tránh dùng nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

Nhu cầu nước thường được khuyến cáo là người lớn trung bình cần 8 -10 cốc mỗi ngày vào mùa nắng nóng (mỗi cốc chứa 200ml). Người lớn cần 300ml chất lỏng trước khi bắt đầu hoạt động và thêm 150ml mỗi 10 - 20 phút trong khi đang hoạt động.

Nên tiêu thụ 400-600ml chất lỏng trong vòng 2 giờ đầu tiên khi hoạt động ngoài trời. Nên ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua,....

- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 giờ làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

- Nếu có biểu hiện mất nước nên đến cơ sở y tế ngay lập tức hoặc thấy có các triệu chứng mệt mỏi cực độ; tiểu ít; miệng, da rất khô; thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh; mắt trũng… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Mời độc giả xem thêm video:

Dự Báo Thời Tiết Ngày 1/6 Đến Cuối Tuần: 3 Miền Sẽ Đối Mặt Với Cái Nóng Tới 43 Độ C | SKĐS


Bs Nguyễn Thị Hà
Ý kiến của bạn