Hà Nội

Nắng nóng, bệnh viện lại quá tải

13-05-2011 07:30 | Thời sự
google news

Mới đầu mùa nắng nóng nhưng trong những ngày qua tại các bệnh viện chuyên khoa nhi, lão khoa, tim mạch… số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đã liên tục gia tăng khiến cho cả thầy thuốc và người bệnh đều vất vả hơn trước cái nóng của thời tiết.

Mới đầu mùa nắng nóng nhưng trong những ngày qua tại các bệnh viện chuyên khoa nhi, lão khoa, tim mạch… số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đã liên tục gia tăng khiến cho cả thầy thuốc và người bệnh đều vất vả hơn trước cái nóng của thời tiết. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn TW, mùa hè năm nay sẽ có khoảng 4 - 5 đợt nắng nóng trên diện rộng xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 7, thông tin này càng làm tăng thêm nỗi lo dịch bệnh gia tăng, bệnh viện quá tải vì thời tiết…

Nắng nóng đột ngột, người già và trẻ em ồ ạt vào viện

Khu vực khám bệnh của BV Nhi TW dù đã gần 3h chiều song vẫn có đến hàng trăm bệnh nhi được người nhà bế bồng chờ khám. Trên bảng điện tử tại Phòng Cấp cứu đã xuất hiện con số 135 ca và Khoa Hô hấp cũng trên 100. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi TW cho biết, những ngày gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 2.500 bệnh nhi vào khám, thậm chí có những ngày lên đến 2.700 trường hợp. Đây là con số tăng đột biến so với khoảng thời gian trước đó, bởi thông thường BV chỉ tiếp nhận trung bình từ 1.500 - 1.800 bệnh nhân vào khám mỗi ngày. Do đó chỉ những trường hợp quá nặng, bệnh viện mới tiếp nhận điều trị nội trú. Có 3 loại bệnh biến động tăng mạnh nhất trong thời gian này ở trẻ em là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy và bệnh ngoài da (phát ban), chiếm đến 70-80% tổng số trẻ đến khám. Phần lớn trẻ đến khám có bệnh cảnh không quá nặng, thường xuất hiện triệu chứng sốt cao, kém ăn, khó thở, nôn nhiều… nên được điều trị ngoại trú, chỉ có 7 - 10 bệnh nặng, phải nhập viện điều trị.

Không chỉ trẻ em mà với người lớn, thời tiết nắng nóng trên diện rộng trong thời gian gần đây cũng khiến một số bệnh viện chuyên khoa như Viện Tim mạch Việt Nam, Viện Lão khoa gia tăng bệnh nhân do các bệnh huyết áp, tim mạch, đột quỵ, sốt siêu vi… Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh Viện Lão khoa cho biết, trung bình một ngày có hơn 200 bệnh nhân cao tuổi nhập viện, cao gấp đôi so với những ngày chưa xảy ra đợt nắng nóng này. Đa số các bệnh nhân cao tuổi nhập viện vì các bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn tiền đình... Theo các bác sĩ, trong trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ đột quỵ là rất lớn.

 Bệnh nhân ngồi chờ khám và làm các xét nghiệm tại Viện Lão khoa TW. Ảnh: TM

Chủ động phòng tránh, không tự điều trị

Theo bác sĩ Nhuận, nguyên nhân chính khiến trẻ nhập viện tăng đột biến trong những ngày qua là do thời tiết chuyển mùa từ xuân sang hè, nắng nóng kèm độ ẩm cao khiến các tác nhân gây bệnh từ tự nhiên cũng như môi trường đều phát triển mạnh, tuy nhiên các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng vì đa phần các bệnh đều dễ chăm sóc và điều trị. Với bệnh ngoài da, chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, bệnh sẽ tự khỏi sau 3 - 4 ngày. Trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp, có biểu hiện sốt nhưng không kèm các triệu chứng nặng khác như: sốt cao từ 390C, khó thở, thở khò khè, kém ăn, nôn nhiều, bỏ bú… thì chỉ cần theo dõi và chăm sóc dinh dưỡng tại nhà. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống kháng sinh vì không những không có tác dụng nhất là trong tiêu chảy mà còn có thể khiến bệnh nặng thêm, trẻ có thể gặp tác dụng phụ nguy hiểm. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ trong những ngày thời tiết nóng nực, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ở trong môi trường sạch, đủ không khí, ánh sáng, xa chuồng trại; đảm bảo dinh dưỡng sạch, không bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, không chứa các hóa chất độc hại, uống nước sạch; tránh chơi các vật dụng bẩn thỉu, sắc nhọn, tròn nhỏ (vì trẻ dễ nuốt vào bụng) và cho trẻ tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ…

Đối với người già, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong thời tiết nóng nực như hiện nay, bác sĩ Trung Anh khuyến cáo, nên uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ngày), không đợi khát mới uống và không nên uống nước có gas, có cồn. Ngoài ra, những người cao tuổi cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống đầy đủ với nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Các hoạt động thể dục ngoài trời cần được điều chỉnh thời gian cho hợp lý: sáng về sớm, chiều đi muộn để tránh những thời điểm nhiệt độ tăng cao.  
 

Ðể chủ động phòng, tránh các dịch, bệnh mùa hè, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ tại các khu vực có ổ dịch cũ, đặc biệt là các ổ dịch cúm, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, Rubella và viêm não Nhật Bản. Tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Thường xuyên kiểm tra nồng độ clo dư tại các điểm của hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, bảo đảm ATVSTP trên địa bàn. Tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong mùa hè. Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của bệnh nhân. Phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc phát hiện và xử lý dịch cúm gia cầm.

       

Hạ Hiền - Thái Bình


Ý kiến của bạn