ThS.Trần Thị Kim Dung - Khoa Cấp cứu - Chống độc của bệnh viện cho biết: Trong vài tuần nay, trước tình hình nắng nóng gay gắt tại Hà Nội (có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 50 độ C), khoa Cấp cứu - Chống độc đã tiếp nhận và điều trị cấp cứu thành công cho nhiều trường hợp bị say nắng, say nóng.
Đặc biệt trong đó có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân có rối loạn ý thức hoặc có các tổn thương cơ quan như suy gan, suy thận... Tuy nhiên, thật may mắn, sau một thời gian điều trị các bệnh nhân đều ra viện trong tình trạng sức khoẻ ổn định và được tư vấn để nắm vững cách dự phòng và xử trí, tránh để xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
BS. Kim Dung nhấn mạnh: Say nắng, say nóng là một bệnh lý nằm trong nhóm bệnh lý thân nhiệt. Đây là nhóm bệnh lý có thể phòng ngừa được, thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Hai thể lâm sàng thường gặp của bệnh lý thân nhiệt là lả nhiệt (heat exhausion) và say nắng- say nóng (heat- strocke).
Chuyên gia cấp cứu, chống độc chỉ rõ, lả nhiệt (heat exhaustion) là bệnh lý nhiệt hay gặp nhất do suy chức năng kiểm soát nhiệt từ nhẹ tới vừa, thường kèm theo tăng nhiệt độ không khí và/hoặc kèm theo gắng sức thể lực dẫn tới mất muối và nước. Lả nhiệt có thể diễn biến thành say nắng say nóng.
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân say nắng say nóng.
Theo BS. Dung, say nắng, say nóng hay còn đột quỵ vì nhiệt (heat stroke) là thể bệnh lý nhiệt nguy hiểm; gặp khi tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C, thường kèm theo đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương cơ quan đích cùng với tổn thương thần kinh.
Say nắng - say nóng được chia thành 2 loại: say nắng say nóng kinh điển và say nắng say nóng do gắng sức. Hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng lâm sàng giống nhau. Say nắng say nóng kinh điển gặp do tiếp xúc với môi trường nóng bên ngoài và dẫn tới nhiệt độ trung tâm tăng trên 40 độ C, bệnh có thể diễn tiến chậm trong vài ngày sau đó dẫn tới rối loạn ý thức.
Trong khi say nắng say nóng do gắng sức do gắng sức gặp ở các vận động viên, hoặc người trẻ vận động quá mức nên triệu chứng xuất hiện nhanh trong vài giờ và nhiệt độ môi trường ngoài không cần phải quá cao. Tình trạng này không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà còn có khả năng dẫn đến đột quỵ; nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan, thậm chí là tử vong.
"Một điều phải nhấn mạnh là khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu, bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%.
Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, chậm làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì 100% nạn nhân sẽ tử vong. Đây là những tình huống vô cùng thương tâm, đã từng gặp như bỏ quên trẻ nhỏ trên xe, tự điều trị say nắng - say nóng sai cách, trì hoãn việc đến các cơ sở y tế để nhận được những biện pháp cứu chữa kịp thời" - BS. Dung khuyến cáo.