1. Công nghệ nâng ngực đệm mô lipid là gì?
Chúng ta thường nghe thuật ngữ "nâng ngực đệm mô lipid" hay còn gọi là đệm mỡ tự thân. Đây là một phương pháp áp dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ khá phổ biến. Có thể hiểu đơn giản, với phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng mỡ tự thân của chính người đi làm đẹp để làm đầy hoặc cải thiện kích thước và hình dáng không chỉ ở ngực mà còn được thực hiện tại các khu vực trên cơ thể như, khuôn mặt, mông…
Quy trình này được thực hiện như sau: Hút mỡ từ khu vực có nhiều mỡ như bụng, hông hoặc đùi, sau đó mỡ được tinh chế và tiêm trực tiếp vào khu vực mong muốn để tạo hình đầy đặn hơn.
Phương pháp này được xem là một giải pháp thẩm mỹ tự nhiên và an toàn hơn so với sử dụng các chất làm đầy nhân tạo. Bởi khi dùng mỡ tự thân, sẽ hạn chế được việc cơ thể phản ứng dị ứng với chất bên ngoài được đưa vào (ví dụ như filler, túi đặt, botox…). Mỡ tự thân cũng có khả năng tồn tại lâu dài và tương tác tự nhiên với mô xung quanh.
Công nghệ làm đẹp này đã được công nhận là một giải pháp hiệu quả để cải thiện kích thước và hình dáng của các vùng trên cơ thể. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất và an toàn, việc thực hiện công nghệ này nên được tiến hành tại các cơ sở y tế uy tín và dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Do đó, phương pháp này đã trở nên khá phổ biến để tạo hình và làm đầy các khu vực trên cơ thể. Nhưng trên thực tế, thì nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa với nhân viên không đủ kinh nghiệm và không được cấp phép hành nghề cũng thực hiện phương pháp này đã gây ra không ít tai họa cho người đi làm đẹp.
2. Nâng ngực đệm mô lipid nano max là gì?
Gần đây thuật ngữ "đệm mô lipid nano max" hay "nâng ngực bằng sóng xung kích" bắt đầu xuất hiện. Đầu năm 2023, thuật ngữ này vẫn còn khá xa lạ, nhưng chỉ đến giữa quý 2 năm 2023 thì đã có vài ca phải đi xử lý hậu quả của biến chứng sau khi áp dụng phương pháp này.
Theo các chuyên gia, lipid nano max là một chất liệu được sản xuất từ các hạt nano có đường kính nhỏ hơn 1/1000 sợi tóc người. Đây cũng là một chất làm đầy có chứa các dưỡng chất giúp tăng cường độ đàn hồi và độ săn chắc của da. Nhưng với phương pháp nâng ngực bằng chất này thì nó chưa được kiểm chứng rộng rãi và cũng chưa được cấp phép.
Điều đáng nói là tại Việt Nam, không ít thẩm mỹ viện quảng cáo rằng "công nghệ nâng ngực đệm mô lipid nano" hay "nâng ngực bằng sóng xung kích" rất an toàn, không xâm lấn, không cần phẫu thuật, được chuyển giao từ nước ngoài. Thậm chí có nơi quảng cáo là đơn vị độc quyền thực hiện công nghệ này, chỉ sau một lần duy nhất thực hiện, vòng một đã được cải thiện.
Người đi làm đẹp thì không hề biết các chiêu trò của các cơ sở thẩm mỹ, spa để thu hút khách hàng. Lợi dụng tâm lý của người đi làm thẩm mỹ là ngại phải trải qua một ca phẫu thuật, nên luôn đưa ra những lời quảng cáo, mời mọc hấp dẫn.
Thay vì đến các cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật nâng ngực, nhiều phụ nữ đã tin vào những lời quảng cáo tại các spa. Các cơ sở này đã tự đưa ra những cái tên khác nhau và nâng lên thành phương pháp mới như "nâng ngực bằng xung kích" hay "đệm mô lipid nano". Đẹp đâu không thấy, nhiều chị em đã phải nhập viện vì biến chứng.
3. Biến chứng sau khi nâng ngực không phẫu thuật
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận ca bệnh nhân bị sưng đỏ 2 bên vú. Trước đó, bệnh nhân đã đến spa để dùng sóng xung kích làm tăng thể tích vú. Số tiền bệnh nhân phải trả cho ca nâng ngực này rất phải chăng, chỉ 10 triệu đồng.
Bệnh nhân cho biết, sau khi nghe tư vấn về phương pháp nâng ngực không phẫu thuật, không xâm lấn mà chỉ cần dùng máy "kích" mô ngực căng lên. Hơn nữa với giá hợp lý mà đạt được nguyện vọng nên đã quyết định thực hiện phương pháp này. Không ngờ, sau khi thực hiện thì ngực bắt đầu sưng đau.
Một trường hợp khác cũng phải nhập viện, vì sau khi thực hiện nâng ngực bằng đệm mô lipid nano 14 ngày, thì thấy 2 bên ngực xuất hiện khối cứng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được xác định các khối cứng này là do tình trạng viêm nhiễm sau khi nâng ngực. Trường hợp này đã phải trả một chi phí không hề nhỏ, lên tới 150 triệu đồng, bao gồm cả 2 phương pháp "đệm mô lipid nano" và phương pháp "sóng xung kích"…
Theo TS.BS. Phạm Ngọc Minh - Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với trường hợp này, việc lấy chất lỏng ra khỏi ngực bệnh nhân để xét nghiệm đó là chất gì không hề dễ dàng. Có thể chất là silicon lỏng đã bị cấm từ lâu. Nếu là tiêm silicon lỏng sẽ có tính chất bám dính tổ chức tăng nguy cơ gây ung thư.
TS.BS Phạm Ngọc Minh cho hay, hiện nay chưa có phương pháp nâng ngực nào mà không phải phẫu thuật. Cũng chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng các phương pháp khác như huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu, sóng xung kích hay đệm mô lipid nano. Người đi làm đẹp tuyệt đối tránh ham rẻ mà nghe quảng cáo đưa các chất lạ vào cơ thể dẫn đến không tương thích bị thải loại, nhiễm trùng...
"Cách an toàn và hiệu quả nhất để cải thiện vòng 1 là túi độn ngực hoăc cấy mỡ tự thân. Nếu chọn phương pháp nâng ngực bằng chất liệu túi độn thì phải được công nhận bởi Bộ Y tế, hoặc chứng nhận FDA. Nếu chọn phương pháp nâng ngực bằng cấy mỡ tự thân thì cần được tư vấn các bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ, có kinh nghiệm. Dù lựa chọn phương nào cũng cần phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên ngành, được cấp phép hành nghề và tại bệnh viện uy tín" - TS. BS Phạm Ngọc Minh khuyến cáo.
Mời độc giả xem thêm video:
Bác sĩ cảnh báo những biến chứng sau tiêm filler nâng ngực, mũi, xóa nhăn…