1. Nâng mũi bọc sụn
Nâng mũi bọc sụn là kỹ thuật lấy sụn ở tai hoặc sụn sườn tự thân để cấy ghép lên mũi, giúp nâng cao và tạo hình chóp mũi. Phương pháp này có thể khắc phục các nhược điểm khi sử dụng chất liệu silicon dẻo (thường dễ làm da đầu mũi bị mỏng, kích ứng đỏ, lộ chất liệu sau thời gian dài), đặc biệt với những trường hợp đầu mũi ngắn hếch muốn làm dài ra.
Phương pháp này được ưa chuộng do có những ưu điểm ít gây tổn thương chức năng của mũi và nguy cơ xảy ra tai biến thấp. Về hình thức thì nâng mũi bọc sụn tai sẽ tạo sống mũi cao tự nhiên, mềm mại và hài hòa với khuôn mặt hơn.
Tuy nhiên, theo PGS.TS.Vũ Ngọc Lâm (Giám đốc trung tâm phẫu thuật tạo hình sọ mặt, Bệnh viện TWQĐ 108), cũng có nhiều trường hợp mảnh sụn này cũng tạo ra độ thiếu tự nhiên do cứng hơn sụn thật của đầu mũi, hoặc khi kéo nhẹ căng da đầu mũi sẽ nhìn thấy cả miếng sụn ghép trắng ở dưới, lộ gờ của mảnh sụn…
Mức độ an toàn cũng như biến chứng sưng tấy, bóng đỏ ở đầu mũi phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ. Nếu thực hiện nâng mũi bọc sụn tại cơ sở thẩm mỹ với kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản chính quy có thể gặp tai biến.
Nếu miếng sụn ghép đặt không chính xác đúng vị trí, không bám chắc sẽ khiến sống mũi bị vẹo, hếch sau phẫu thuật. Khi miếng sụn không bám chắc thì chỉ cần động tác nhẹ như va chạm trong khi rửa mặt cũng có thể khiến mũi cong vẹo, dẫn đến mất thẩm mỹ, đau nhức và làm ảnh hưởng đến chức năng của mũi.
2. Nâng mũi tái cấu trúc
Rất nhiều chị em đua theo phong trào nâng mũi tái cấu trúc vì nghĩ rằng đây là phương pháp an toàn và kết quả sẽ có mũi đẹp bền như ý.
Tuy nhiên theo PGS.TS.Vũ Ngọc Lâm, thực chất kỹ thuật này bắt nguồn từ việc tạo hình lại mũi cho những trường hợp dị dạng mũi do di chứng khe hở môi - vòm miệng. Do cấu trúc giải phẫu của xương - sụn - phần mềm mũi đều bị thay đổi bất thường nên muốn tạo hình lại mũi cần phải sắp xếp lại các cấu trúc giải phẫu này. Đương nhiên khi cấu trúc giải phẫu bất thường thì cần phải có các chất liệu hỗ trợ, bù đắp.
Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ lấy chất liệu hỗ trợ là sụn tự thân từ sụn vách ngăn mũi, sụn vành tai, sụn sườn để cấy ghép. Mặc dù với kỹ thuật này, phần đầu mũi có thể được kéo dài tốt hơn so với chỉ sử dụng chất liệu silicon. Nếu chỉ định phù hợp thì nâng mũi tái cấu trúc có thể mang lại hình dáng mũi đẹp hơn, nhưng chấp nhận đầu mũi cứng chắc hơn, sẹo nhiều hơn, ca mổ kéo dài hơn, tốn kém hơn…
Nhưng điều lợi bất cập hại là nhiều bác sĩ thẩm mỹ đã áp dụng vô tội vạ kiểu kỹ thuật này và đẩy lên thành trào lưu 'nâng mũi tái cấu trúc'.
Như trên đã phân tích, không phải cấu trúc của mũi lúc nào cũng cần 'tái' lại. Việc lạm dụng chất liệu tự thân và thay đổi cấu trúc giải phẫu thật của mũi có thể để lại những hậu quả rất tệ hại.
Việc lấy sụn tự thân có thể để lại sẹo xấu tại vùng sụn bị lấy đi. Vùng mũi 'tái cấu trúc' ngoài việc đầu mũi cứng ngắc còn có thể bị biến dạng, lệch lạc hoặc thiếu thẩm mỹ. Lúc này việc chỉnh sửa cực kỳ khó khăn, do cấu trúc giải phẫu nguyên bản của mũi đã bị can thiệp quá nhiều. Nhiều trường hợp không thể sửa chữa.
3. Nâng mũi bằng tiêm filler
Filler hay còn gọi là chất làm đầy - là hợp chất có cấu tạo từ acid hyaluronic. Đây là một chất được ngành thẩm mỹ dùng để tiêm vào da, tạo khối mô dày dưới nếp nhăn. Tiêm filler giúp làm phẳng da hoặc tăng thể tích một bộ phận nào đó. Vì thế chất liệu này được sử dụng để nâng độn mũi, gò má, môi, thái dương, quai hàm, cằm, nâng ngực, nâng mông….
Kỹ thuật này có thể giúp tạo hình đường cong mà không cần phẫu thuật... Tuy nhiên, chất này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, có hiệu quả trong vòng từ 4-6 tháng, tối đa là 18-24 tháng. Sau đó nếu muốn duy trì làm đẹp thì cần tiếp tục tiêm.
Đã không ít trường hợp hoại tử tại các vùng tiêm filler như mũi, ngực, mông… Nguy hiểm nhất là gây mù lòa sau khi tiêm filler nâng mũi.
Theo PGS.TS.Vũ Ngọc Lâm, khi tiêm filler, có thể gây biến chứng là do kỹ thuật tiêm. Khi kỹ thuật viên không đủ chuyên môn, tiêm nhanh với áp lực tiêm mạnh vào nhánh của động mạch mắt, thì áp lực tiêm sẽ khiến filler đi ngược dòng máu. Từ đó, chất tiêm bị đẩy ngược lại vào động mạch mắt, trong đó có động mạch trung tâm võng mạc. Hoặc tiêm nhầm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch, từ đó dẫn đến hoại tử vùng mô mà mạch máu bị tắc nuôi dưỡng.
Tại vùng mũi, nếu tiêm nhiều hơn 1cc vùng sống mũi, 0.3cc vùng đầu mũi đã có thể gây căng da, chèn mạch máu gây thiếu máu các cơ qua lân cận, gây hoại tử mũi. Khi vùng mũi hoại tử cũng ảnh hưởng đến vùng xung quanh, gây tắc động mạch trung tâm võng mạc, tăng nhãn áp, từ đó gây mù lòa…
4. Nâng mũi bằng chỉ
Gần đây khái niệm nâng mũi bằng chỉ sinh học được khá nhiều người ưa chuộng. Với phương pháp này, kỹ thuật viên sẽ sử dụng chỉ sinh học rồi đưa vào từ đầu mũi lên sống mũi bằng kim tiêm. Sau khi luồn chỉ vào, kỹ thuật viên sẽ nắn và tạo dáng mũi rồi cố định lại. Sau thời gian, những sợi chỉ này sẽ kích thích tạo ra collagen tự nhiên. Chỉ sẽ tự tiêu theo thời gian tuỳ cơ địa mỗi người, làm sống mũi đẹp một cách tự nhiên.
Phương pháp này có ưu điểm thời gian thực hiện nhanh, trong vòng 60 phút và mũi sẽ đẹp tự nhiên, mềm mại.
Kỹ thuật này khá an toàn nếu thực hiện bởi các chuyên gia, kỹ thuật viên có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản. Nhưng thực tế với các spa có các kỹ thuật viên được đào tạo "siêu tốc" mà thực hiện kỹ thuật này thì tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng, cong vẹo sống mũi khó phục hồi, diến dạng mũi vĩnh viễn…
Ngoài tay nghề của bác sĩ, thì nguồn gốc sợi chỉ sinh học sử dụng để nâng mũi cũng là một trong vấn đề đáng lo ngại. Tại những cơ sở uy tín với bác sĩ có chuyên môn cao sẽ không lựa chọn những loại chỉ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nhưng giá thành của các loại chỉ này lại khá cao, nhiều người không đủ điều kiện thực hiện mong muốn làm đẹp. Do đó các cơ sở thẩm mỹ kém uy tín, với 'giá nào cũng làm, chỉ nào cũng cấy', lợi dụng mức 'giá rẻ' để thu hút nhóm khách hàng này. Đây chính là nguy cơ cao cho các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Mời độc giả xem thêm video:
Sốt xuất duyết, tay chân miệng, thủy đậu đều tăng đột biến, Hà Nội khuyến cáo gì?I SKĐS