1. Những tai biến có thể gặp phải khi nâng mũi
Nâng mũi là thủ thuật đưa chất liệu vào để sống mũi cao lên, đầu mũi cao và bay hơn. Có rất nhiều phương pháp nâng mũi, có thể kể đến như can thiệp phẫu thuật để nâng mũi, hay còn gọi là nâng mũi cấu trúc (sử dụng chất liệu nhân tạo hoặc lấy sụn sườn), nâng mũi bằng chỉ hoặc tiêm filler. Tuy nhiên, phương pháp nâng mũi bằng chỉ và tiêm filler có giá trị thẩm mỹ không cao và có thể gây ra rất nhiều tai biến.
Các biến chứng có thể gặp phải khi nâng mũi có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng: Đây là biến chứng hay gặp nhất, xảy ra khi quá trình phẫu thuật không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn phòng mổ, dụng cụ mổ, tay phẫu thuật viên, vật liệu ghép đặc biệt là sụn, mảnh ghép nhân tạo. Khi bị nhiễm trùng sẽ xuất hiện tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau và thường xảy ra trong 3-5 ngày sau phẫu thuật.
- Mũi bị co rút, biến dạng: Người thực hiện nâng mũi không đủ trình độ, thực hiện không đảm bảo kỹ thuật có thể khiến mũi bị hếch, nghiêng sang một bên, lỗ mũi không cân xứng, đầu mũi to, trụ mũi lệch... ThS.BS. Hoàng Mạnh Ninh đã ghi nhận nhiều ca chỉnh nâng mũi hỏng do nguyên nhân ghép quá nhiều sụn (sụn tai, vách ngăn, mảnh ghép nhân tạo...).
- Lộ sống mũi, đầu mũi bị bóng đỏ: Đây là một dạng biến chứng muộn, có thể xảy ra sau khi nâng mũi nhiều năm. Nguyên nhân do bác sĩ thực hiện không đánh giá đúng độ dày mỏng của da, trong quá trình đặt sụn ghép gây áp lực lớn lên mô mềm và da mũi. Ngoài ra, sử dụng sụn ghép kém chất lượng cũng có thể dẫn đến biến chứng này.
- Hoại tử mũi: Hoại tử mũi là biến chứng nguy hiểm nhất, do tình trạng thiếu máu nuôi. ThS.BS. Hoàng Mạnh Ninh cho biết, trong tháng này bác sĩ cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bị hoại tử toàn bộ vùng da mũi, trán và bị tắc một phần động mạch cánh mũi sau khi tiêm filler để nâng mũi. Trường hợp hoại tử nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể cần chăm sóc, ghép da mất khá nhiều thời gian.
ThS.BS. Hoàng Mạnh Ninh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện cảnh báo về những biến chứng có thể gặp khi nâng mũi.
2. Hiệu quả nâng mũi thường duy trì bao lâu?
Tùy vào từng phương pháp, đối với nâng mũi bằng can thiệp phẫu thuật, hiệu quả nâng mũi có thể duy trì từ 7 đến 10 năm. Nâng mũi sử dụng chất liệu sụn sườn thì có thể để vĩnh viễn, còn dùng chất liệu nhân tạo thì thường có hạn sử dụng.
Nâng mũi có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật.
3. Những lưu ý khi nâng mũi
Theo ThS.BS. Hoàng Mạnh Ninh, hiện nay có rất nhiều địa chỉ thẩm mỹ quảng cáo phương pháp nâng mũi "không xâm lấn" với mức chi phí hợp lý, nhằm thu hút sự quan tâm của phái đẹp. Do đó, mỗi người khi có ý định nâng mũi cần tìm hiểu kỹ về phương pháp thực hiện, lựa chọn cơ sở uy tín và được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ cần có chứng chỉ hành nghề, trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm xử lý trong trường hợp khẩn cấp.
Vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở "chui" không có giấy phép mọc lên, đội ngũ nhân viên thậm chí không phải bác sĩ, do đó khi thực hiện thẩm mỹ không đúng kỹ thuật dễ dẫn đến biến chứng, ngay cả khi thực hiện những thủ thuật "không xâm lấn" như tiêm filler.
Nếu người không có chuyên môn và không được đào tạo bài bản, không nắm được kiến thức về giải phẫu, có thể tiêm filler vào đường đi của mạch máu, gây tắc mạch, từ đó gây hoại tử, thậm chí ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực.
Mặt khác, với người không được đào tạo bài bản về liều thuốc gây tê, gây mê, có thể tiêm thuốc gây tê với liều lượng quá mức dẫn đến ngộ độc. Hơn thế, nhiều trường hợp xảy ra tình trạng sốc thuốc trong quá trình gây tê, gây mê mà không kịp xử trí kịp thời, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Cảnh Giác Với Biến Chứng Do Viêm Da Cơ Địa | SKĐS