Ngành y tế tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ tại khoa khám bệnh, mở rộng đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm và tổ chức sàng lọc, quản lý và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Đồng thời ngành sẽ thành lập 4 đội phòng chống dịch bệnh do virut Zika tại 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần thiết... Đây là những diễn biến mới nhất trong công tác chủ động ứng phó với dịch bệnh do virut Zika của ngành y tế Việt Nam.
Các cơ sở KCB sẵn sàng điều trị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh Zika
Ngày 29/3, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện nay bệnh dịch do virut Zika đang lan rộng trên thế giới, tính đến ngày 23/3 đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virut Zika. Đặc biệt, các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc là những nước có chung đường biên giới với Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virut Zika. Do đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh (KCB) trực thuộc tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ do virut Zika xâm nhập Việt Nam tại các cơ sở KCB.
Labo xét nghiệm tại BV Bệnh Nhiệt đới TW. Ảnh: TM
“Trong đó chú ý những người bệnh đến, đi về từ các quốc gia có dịch bệnh có các triệu chứng sốt, ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt, có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain Barre, viêm não màng não hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai để khám, sàng lọc, lấy mẫu ngay tại khoa khám bệnh để gửi mẫu đi xét nghiệm, phát hiện ca bệnh đầu tiên và cách ly người bệnh” - PGS.TS. Khuê nhấn mạnh.
Cục Quản lý KCB cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức phổ biến, tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do virut Zika”
đối với bác sĩ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị sốt xuất huyết Dengue tại các khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm... của tất cả các cơ sở KCB. Đồng thời, các cơ sở KCB chuẩn bị sẵn sàng khu vực điều trị để tiếp nhận và điều trị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do virut Zika.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở KCB làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phun diệt muỗi trong bệnh viện, các phòng bệnh, cung ứng đủ màn cho người bệnh điều trị nội trú, tuyên truyền để người bệnh, người chăm nuôi hiểu và phòng tránh muỗi đốt để phòng bệnh...
Cùng chung tay ngăn ngừa dịch bệnh do virut Zika vào Việt Nam
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh này, tại cuộc họp Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) bàn kế hoạch đáp ứng trong tình huống dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam hôm 28/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, nguy cơ virut xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, giám sát thực địa để khẳng định xem liệu virut Zika đã có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nâng cao mức cảnh báo đối với toàn bộ hệ thống y tế trong việc phòng chống dịch bệnh do virtt Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả”. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế khẩn trương triển khai thực hiện các công tác sẵn sàng đáp ứng trên mọi phương diện từ dự phòng, điều trị đến truyền thông, cơ sở vật chất...
“Sự thống nhất, tập trung chỉ đạo của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, chung tay phòng chống dịch bệnh do virut Zika của Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế cùng với sự hưởng ứng tham gia của từng người dân trong việc triển khai các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy tại các khu vực dân cư đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn ngừa sự lây lan virut Zika trong cộng đồng” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.