Năng lượng truyền thông trên phòng tuyến chống dịch

21-06-2021 16:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngay từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát, chưa lan rộng trên thế giới, đầu năm 2020, báo chí trong nước đã sớm chủ động vào cuộc một cách tích cực. Có thể nói, báo chí thực sự là một binh chủng quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch hơn một năm rưỡi qua...

Cho đến hôm nay, đa số người dân đã hiểu biết rất nhiều về dịch COVID-19 và những cách phòng tránh. Nhưng trong những ngày tháng đầu tiên, thông tin về đại dịch này thực sự là nỗi ám ảnh.

Giống như quy luật, một khi xuất hiện những nỗi lo chung trong đời sống- xã hội, cộng đồng dân cư lại  nhạy cảm với những tin đồn.

Báo chí thực sự là một "binh chủng" quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch 

Chống tin giả, ổn định tâm lý cộng đồng

Tin đồn ngày nay còn được chắp cánh bởi công nghệ Internet nên tác hại lớn hơn. Nỗi sợ - một bản năng sinh tồn khi có những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng - như một thứ virus tấn công vào môi trường truyền thông. Do đó, nhiều người chưa đủ bản lĩnh về thông tin đã vô tình tiếp tay cho tin giả để gieo rắc những “luồng gió độc”.

Truyền thông dựa trên nỗi sợ của cộng đồng là “truyền thông bẩn”, nhưng kiểu làm truyền thông này rất khó ngăn chặn. Những thông tin giả về dịch COVID-19 tràn lan trên thế giới và trên các mạng xã hội Việt Nam những tháng đầu năm 2020 cũng đáng lo ngại như virus SARS-CoV-2.

Tin tức giả được thêu dệt một cách lệch lạc, những thuyết âm mưu xoay quanh đại dịch và cả những tin đồn liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị nhà nước… đã gây ra nhiều tác động bất ổn.

Chính trong bối cảnh ấy, báo chí đã nhanh chóng tự ý thức vai trò, sứ mệnh của mình trong dòng chảy thông tin: Cần làm cho người dân nhận thức báo chí là kênh chính thống để lắng nghe, quan tâm và tin tưởng.

Báo chí đã góp phần vạch trần tin giả, cung cấp nhanh thông tin đầy đủ cho người dân về tình hình dịch bệnh, ổn định đời sống và tâm lý người dân.

Cả hệ thống cùng làm truyền thông

Xin được nói thêm rằng, truyền thông chống dịch COVID-19 không chỉ có báo chí. Hơn một năm qua, thuê bao điện thoại di động đều thường xuyên nhận được các tin nhắn từ Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông mang nội dung giải đáp những câu hỏi cơ bản, cung cấp những kiến thức cần thiết nhất về dịch bệnh…

Khó mà kể hết những hình thức truyền thông cực kỳ phong phú: băng rôn, pa-nô, bảng điện tử, tài liệu in ấn, tờ rơi, áp phích, xe lưu động…

Đồng hành cùng với báo chí còn có các thành viên mạng xã hội, từ Facebook, YouTube, Zalo, Viber … và các mạng xã hội trong nước đều vào cuộc trong nỗ lực truyền thông phòng, chống dịch. Fanpage do  các cơ quan, ban ngành chức năng lập ra thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi và chia sẻ.

Có thể nói, chính báo chí chính thống mới  thực sự là người lính xung kích trên mặt trận truyền thông này. Những thước phim, những bức ảnh khắc họa hình ảnh các chiến sĩ áo trắng  đang ngày đêm quên mình vì người bệnh ở tâm dịch đã làm lay động hàng triệu trái tim.

Thông tin từ báo chí góp phần giúp người dân biết hành xử đúng đắn, góp phần vào công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh

Thông tin từ báo chí góp phần giúp người dân biết hành xử đúng đắn, góp phần vào công tác phòng, chống dịch

Các báo có chuyên trang, các đài phát thanh – truyền hình có chuyên mục trực tiếp tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Hơn hàng trăm ngày đã qua, kể từ khi ca bệnh số 1 xuất hiện ở Việt Nam, không ngày nào thông tin phòng, chống dịch lại không xuất hiện trên báo chí Việt Nam ở các loại hình, các hình thức thể loại.

Trong thời điểm hiện tại, báo chí đã và sát cánh với ngành y tế trong hoạt động truyền thông, như một binh chủng đặc biệt trên chiến tuyến chống dịch.

Nhà báo phải dấn thân, báo chí phải thay đổi

Hằng ngày, những hình ảnh người cách ly từ tâm dịch, hoạt động của đội ngũ y, bác sĩ, những chiến công thầm lặng của lực lượng bộ đội biên phòng, công an, đội ngũ cán bộ, người dân ở cơ sở… đã được báo chí phản ánh để cộng đồng cùng chia sẻ, thấu hiểu, đồng cảm và tham gia.

Hàng ngày, các ý kiến từ những đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia đầu ngành, những tâm sự của các “nhân vật chính” trong mặt trận chống dịch nóng bỏng trên cả nước đã đến với công chúng qua báo chí. Tất cả đã góp phần không chỉ thông tin đầy đủ, chân thật mà còn hỗ trợ cho người dân có những quyết định đúng đắn trong ứng xử, trong sinh hoạt cộng đồng trong mùa dịch.

Để có được kết quả ấy, nhiều nhà báo cũng phải dấn thân nơi tuyến đầu, chấp nhận rủi ro, bất trắc trong tác nghiệp, phải khắc phục thiếu thốn về phương tiện chuyên dụng…Họ cũng có thể là những F1 một tiềm ẩn một khi tác nghiệp ngay trong tâm dịch.

Cơ quan báo chí giờ đây đang bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nên buộc phải chuyển đổi nhiều hình thức tác nghiệp. Những hình thức tòa soạn online, “tòa soạn phi tòa soạn” ra đời.

Trên màn ảnh truyền hình hơn một năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều nhân vật nổi tiếng như cầu thủ, nghệ sĩ, chuyên gia… tự đặt thiết bị ghi hình, nhìn vào ống kính và trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên đang ở cách đó khá xa, thậm chí có khi tới nửa vòng trái đất, do không thể tiếp xúc trực tiếp với phóng viên.

Nhiều cuộc phỏng vấn theo kiểu truyền thống giờ đây cũng phải giữ khoảng cách an toàn cho phóng viên và nhân vật. Các phóng viên truyền hình dùng “cây sào” dài để nối vào micro chứ không cầm mic trên tay như trước. Một số buổi tọa đàm phát thanh trong phòng thu, khoảng cách ghế ngồi giữa các khách mời, người dẫn chương trình đều phải giãn cách theo đúng quy định.

Khó mà kể hết những thay đổi trong tác nghiệp báo chí thời COVID-19, nhưng vượt lên những cản lực, báo chí, truyền thông đã góp phần hiện thực hóa những giá trị: Xây dựng niềm tin cho cả xã hội vào sự điều hành của Đảng, Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam trong những tháng ngày thần tốc “chống dịch như chống giặc”.

Đó còn là nguồn năng lượng tinh thần mạnh mẽ, góp phần xua tan “bóng đen” đại dịch, sớm trả lại sự bình yên vốn có cho toàn cộng đồng.


TS. PHAN VĂN TÚ
Ý kiến của bạn