Nhưng với Nguyễn Mai Huệ, khi cơn choáng váng qua đi, từng ngày kiên nhẫn chữa trị thì bệnh hiểm nghèo lại trở thành những trải nghiệm quý báu trong đời.
Giàu sức sống hơn
Tháng chín, tôi tới dự một buổi gặp mặt nhóm 6 bạn trẻ, đều là nữ doanh nhân lứa 7X, thậm chí 8X. Ai nấy đều xinh đẹp, rạng rỡ, kinh doanh thành công. Và thật lạ, là trong buổi gặp mặt đó, ai cũng nhắc tới một người vắng mặt, đó là Mai Huệ, một thành viên làm trong ngành du lịch, cũng từng kinh doanh trong ngành mỹ phẩm và dịch vụ làm đẹp như hầu hết mọi người trong nhóm. Nay Huệ vì bệnh hiểm nghèo, nên tạm gác lại việc kinh doanh dịch vụ làm đẹp, chỉ còn làm chuyên môn du lịch. Trong nhóm, ai nấy đều khâm phục tinh thần của Huệ, bởi dù bị căn bệnh ác tính, ung thư vú, nhưng vẫn vô cùng lạc quan và sống căng hết mình, yêu đời hơn cả một số người không mắc bệnh.
Nguyễn Mai Huệ luôn giữ tinh thần lạc quan khi chữa bệnh ung thư.
Nghe câu chuyện về cô, tôi thầm mong gặp Mai Huệ. Hẳn tôi sẽ học được những điều ý nghĩa từ cô gái nghị lực này.
Và rồi cuối tháng mười vừa qua, tôi đã gặp được cô ấy. Trái với tưởng tượng của tôi, Huệ trắng trẻo, làn da mịn, căng tràn sức sống, nụ cười tươi trên làn môi mọng chào tôi. Tôi ngạc nhiên, Huệ đây ư? Cô ấy còn nhiều sức sống hơn người bình thường!
Huệ cười, bảo tôi rằng cô mang tóc giả, nếu cô bỏ tóc ra, sẽ hiện nguyên hình một người bệnh. Tôi lắc đầu, nói thật với cô rằng, trong đời tôi từng chăm sóc ba người bị bệnh ung thư một thời gian dài, nhưng không ai đã qua điều trị hóa chất, lại có thể giữ được làn da đẹp như Huệ.
Mới qua ca phẫu thuật lấy khối u ở ngực ba tuần mà Huệ đã tươi tắn, lấy lại sinh khí và năng lượng, cứ như cô không hề mang bệnh tật nào. Tinh thần vững vàng ấy quả đáng khâm phục. Huệ đã viết những dòng tâm sự như thế này:
“Nhớ chốn ăn chơi, nàng ấy đã trở lại với công việc.
Thực sự cảm ơn gia đình, bạn bè thân yêu đã ở bên, gửi lời chia sẻ, động viên trong lúc bạn ấy đóng mấy “cảnh quay” khó khăn trong bệnh viện. Trong thử thách, bạn ấy luôn tâm niệm lời Phật dạy không tham sân si, biết đối diện với khó khăn. Đi xếp hàng chụp, chiếu, xét nghiệm, nhất quyết không chen lấn, xô đẩy, thế rồi tự dưng được “Cô” thương. Chúc tất cả mọi người ngày mới tốt đẹp, tràn đầy yêu thương.”
Làm việc trở thành niềm vui sống
Và khi rời bệnh viện, dù vẫn phải theo dõi tình tình sức khỏe sát sao, Huệ đã trở lại làm việc với niềm hào hứng hơn xưa. Cô hiểu rằng, còn hơi thở, còn sống và làm việc, đó là hạnh phúc. Cũng có người ái ngại, rằng tại sao cô phải “khổ” thế, đang chữa bệnh thì sao không nghỉ ngơi hoàn toàn? Nhưng với Huệ, chính những ngày phải nằm trong bệnh viện, đưa vào người đủ thứ thuốc, chờ đợi cho thuốc có tác dụng, rồi lại chờ đợi để phẫu thuật, chờ cơ thể khỏe lên một chút, từng chút... đã cho cô niềm khao khát được trở lại với công việc thường ngày, làm quản lý du lịch, lữ hành. Công việc không là những mệt nhọc hay căng thẳng nữa, mà kỳ diệu thay, công việc đã hóa niềm vui, niềm say đắm trong đời. Cô lại bay ra - vào giữa Hà Nội và Đà Nẵng, tổ chức hội nghị. Khách hàng chỉ thấy cô tươi cười, làm việc hiệu quả. Không ai biết cô vừa trải qua phẫu thuật. Chỉ có một điều “hú vía” khi một đêm cô làm việc hơi mệt, về khách sạn ngủ, khi trở dậy thì không tìm thấy mái tóc giả đâu. Cô vô cùng lo lắng, nếu không tìm thấy mái tóc giả, mà cô cứ thế xuất hiện trước khách hàng, họ sẽ bị sốc. May mà sau đó, cô tìm thấy mái tóc lọt xuống khe giường. “Với tôi bây giờ, bệnh không sợ mà sợ mất tóc giả!” - Huệ đùa.
Và như thế, trải nghiệm bệnh tật lại trở nên quý báu, khi vì nó mà Huệ thấy trân trọng cuộc sống hơn, yêu thương người thân từng phút giây, từng hành động nhỏ, biết quý giá từng đóa hoa, ngọn cỏ. Cảm giác thật tuyệt vời khi sớm mai cô có thể thức dậy bình thường, đi ra ngoài đường và nhìn thấy xe cộ đi lại, nhìn thấy cây cối xanh tươi và gió ùa vào mặt cô. Tất cả những gì trước kia là bình thường, thì nay đều trở nên quá đỗi thân thương, quá đỗi đáng yêu.
Đầu năm 2017, trong một lần tự kiểm tra ngực, Huệ sờ thấy một cục nhỏ như hạt lạc trong vú. Cô đi khám và được thông báo cô có khối u nhỏ chừng 1cm ở vú. Bác sĩ khuyên cô nên sinh thiết tế bào. Huệ làm sinh thiết tế bào để xét nghiệm thì nhận được tin xấu về tế bào ác tính. Ban đầu cô choáng váng, nhưng không tin hẳn. Cô tiếp tục xét nghiệm ở một số nơi khác nhau, trong đó có cả bệnh viện nước ngoài. Kết quả vẫn nghiêng về khối u ác, lúc ấy, Huệ quyết định sẽ điều trị tích cực. Tham khảo một số phương pháp điều trị ung thư tiên tiến, cô cho rằng tại bệnh viện ở Việt Nam, các bác sĩ cũng đã áp dụng những phương pháp tối ưu nhất, nên cô chọn điều trị tại Bệnh viện K.
Bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, cô cần qua 8 lần hóa trị trước để khu trú khối u, hạn chế lan rộng. Sau đó sẽ phẫu thuật cắt bỏ. Cuối cùng là xạ trị. Cô phải trải qua quá trình truyền hóa chất vô cùng mệt mỏi. Mất hết vị giác. Tóc rụng hết, sụt cân, đau khủng khiếp vùng thắt lưng, chân tay cũng đau, tê mỏi đến không muốn nhấc lên. Nhưng Huệ vẫn vững tin rằng cô sẽ qua khỏi. Cô luôn tự nhủ rằng ngày mai cô sẽ khỏe hơn hôm nay.
Huệ luôn tin rằng ngày mai sẽ khỏe hơn hôm nay.
Để nâng tinh thần lên, trong phòng bệnh của Huệ luôn đặt một bình hoa tươi. Những lúc cảm thấy khỏe hơn một chút, cô đọc sách, nghiên cứu về căn bệnh của mình để áp dụng những cách thức hỗ trợ nâng sức đề kháng của cơ thể như chế độ ăn, tập luyện. Cô cũng kết nối với mọi người qua internet và sau đó thấy rằng mình vẫn cần sống đầy đặn trong từng giây phút, kể cả khi đang phải nằm viện. Huệ tìm ra một giải pháp, đó là coi bệnh của mình cũng chỉ là loại bệnh thông thường như cảm cúm, coi việc chữa bệnh cũng như công việc hàng ngày ngoài kia. Thế là, Huệ lên lịch điều trị, y như lịch làm việc của cô. Coi điều trị là công việc cần thiết như ăn uống, như việc chuyên môn, như hơi thở,... do đó, cô lấy lại cân bằng, ứng xử thản nhiên với bệnh mà thoát hẳn khỏi lo lắng về tương lai.
Cô cập nhật thông tin từng ngày của mình trong bệnh viện, không giấu giếm, không sợ hãi. Mọi người biết chuyện, vừa khâm phục cô, vừa yêu thương cô hơn và góp cho cô nhiều lời khuyên quý báu trong kinh nghiệm điều trị, dưỡng sức. Họ tạo thành một cộng đồng bạn bè, truyền cho cô nguồn năng lượng lớn để vượt qua từng thời khắc khó khăn khi phẫu thuật, khi bị thuốc đặc trị làm cho suy sụp. Họ chia vui cùng cô khi sau ca mổ bốn ngày cô đã tươi tắn trở lại, khi vết mổ chóng lành và gọn đẹp...
Các bác sĩ điều trị rất cảm mến một bệnh nhân vừa hiểu biết, vừa lạc quan và đáp ứng quy trình điều trị rất tốt, lại luôn lắng nghe và biết đặt những câu hỏi tương tác hiệu quả với bác sĩ. Bác sĩ và bệnh nhân trở nên thân tình, luôn sát cánh để đạt được mục đích điều trị tốt nhất. Các bác sĩ cũng rất vui mừng trước kết quả phục hồi tốt mà Huệ nhanh chóng có được. Cũng trong những ngày sống tại bệnh viện, Huệ tìm được một niềm tin chắc chắn rằng, bệnh ung thư không quá đáng sợ như ta tưởng và ta có thể hoàn toàn khắc phục được nó. Niềm tin này thôi thúc cô, khiến cô muốn viết một cuốn sách về quá trình điều trị ung thư của mình, để cung cấp cho người bệnh ung thư ngực nói riêng và phụ nữ nói chung có được những kinh nghiệm quý bảo vệ sức khỏe, vượt qua bệnh hiểm nghèo.
Và giờ đây, mỗi ngày qua đi, Huệ càng nghĩ nhiều về mơ ước của cô. Đó là được sống trong ngôi nhà có nhiều cây xanh, với hồ nước và hoa. Cứ dứt ốm là cô lại đi tìm ngôi nhà như thế cho mình. Cô tin là mình sẽ sớm tìm được.