
Chia sẻ trên chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề "Năng lực thiết bị y tế Việt Nam trong đại dịch COVID- 19 vào lúc 9h30, thứ Bảy ngày 18/12/2021 do Báo Sức khoẻ & Đời sống phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khoẻ Trung ương tổ chức, TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho rằng, giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, ngành sản xuất trang thiết bị y tế (TTBYT) đã thích ứng rất kịp thời bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19, sự nỗ lực của ngành y tế cũng như tất cả các nhà khoa học, các doanh nghiệp.
Sự thích ứng kịp thời xuất phát từ các trang thiết bị nhỏ, đơn giản đến sản phẩm lớn, công nghệ cao.
Cụ thể, đầu tiên phải kể đến sản xuất khẩu trang. Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch mới bắt đầu chúng ta rất thiếu khẩu trang. Ngay lập tức, các công ty may mặc của Bộ Công thương chuyển hướng sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Viện Trang thiết bị và Công trình y tế được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và Bộ Y tế giao xây dựng tiêu chuẩn cho khẩu trang này. Và chỉ trong thời gian ngắn, người dân có đủ khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn sử dụng, đáp ứng được nhu cầu xã hội, tránh tình trạng thiếu hụt khẩu trang.
Tiếp đến là các đơn vị đầu tư dây chuyền máy móc, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang N95, các loại trang thiết bị khác như máy thở, máy phun nước rửa tay tự động, máy đo thân nhiệt cầm tay và tự động…
Là đơn vị sản xuất máy thở không xâm lấn, ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công ty Cổ phần Meiko Automation cho hay, đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện với dự kiến số ca nhiễm bệnh sẽ tăng cao nên khả năng thiếu hụt máy thở. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ Y tế về việc sản xuất máy thở nhằm đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 cũng như sử dụng lâu dài, làm chủ công nghệ, Công ty đã quyết định bắt tay vào nghiên cứu sản xuất máy thở.
Meiko Automation vốn là công ty công nghệ, có sẵn dây chuyền, nhân công nhưng để sản xuất máy thở đơn vị đã phối hợp cùng các đơn vị, chuyên gia y tế để được tư vấn. Vì thế, quá trình nghiên cứu, sản xuất máy thở diễn ra khá nhanh chóng.
Tính đến nay, Công ty Cổ phần Meiko Automation sản xuất được 3 mẫu máy thở không xâm lấn phục vụ bệnh nhân COVID-19 trong hơn 20 bệnh viện và xuất khẩu ra nước ngoài như Ấn Độ.
Theo các chuyên gia, ngành sản xuất trang thiết bị y tế là ngành rất đặc thù, từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, và đưa ra lưu hành trên thị trường hay khai thác sử dụng đều phải theo các quy định rất nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp sản xuất TTBYT phải đáp ứng được các yêu cầu, chế định bắt buộc như nhân lực, vật lực, quy trình sản xuất… Đặc biệt phải đáp ứng được tiêu chuẩn ISO 13485:2016 và phải chịu trách nhiệm với sản phẩm trong suốt vòng đời khai thác.
Điều này cho thấy, TTBYT được quản lý và nghiên cứu rất cẩn trọng, logic, khoa học và mang tính trách nhiệm cao. Chính vì thế trong giai đoạn bình thường, các doanh nghiệp sẽ chọn các sản xuất sản phẩm dễ đưa ra thị trường. Nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra, các doanh nghiệp dẹp bỏ các hạng mục khác để sản xuất trang thiết bị y tế đưa ra thị trường. Điều này cho thấy sự nỗ lực, trách nhiệm xã hội của ngành trang thiết bị y tế rất cao.
Đồng thời, TS. Lê Thanh Hải cũng nhấn mạnh, từ khi bắt đầu đại dịch Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách phát triển ngành TTBYT sản xuất trong nước. Qua quá trình tham gia thực hiện, ông có những đề xuất giúp ngành phát triển hơn.
Cụ thể đề xuất như sau: Sản xuất trang thiết bị trong nước phải đáp ứng được điều kiện trong nước và khu vực, điều này giúp lưu thông hàng hóa thuận tiện; Quản lý sản xuất trong nước cần có những chính sách phát triển tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; Đề xuất xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm đánh giá sự phù hợp bao gồm các hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, kiểm định và giám định đối với trang thiết bị y tế. Đây là nội dung quan trọng, bởi hiện nay doanh nghiệp sản xuất ra TTBYT công nghệ cao nhưng phải đưa ra nước ngoài thử nghiệm. Điều này gây tốn kém và kéo dài thời gian.
Còn doanh nghiệp phải chủ động hệ thống dây chuyền sản xuất, nhân lực, đào tạo đội ngũ cũng như kết hợp cùng các bệnh viện để hiểu rõ nhu cầu nhằm bảo đảm thiết bị được tiêu thụ tốt…