Nàng lạnh, chàng nóng, vì sao?

05-07-2015 20:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Vào buổi tối, trước khi đi ngủ, bạn cài đặt nhiệt độ máy điều hòa 25 độ C, và cảm thấy nhiệt độ phòng rất dễ chịu. Tuy nhiên, bất chợt tỉnh giấc nửa đêm, bạn thấy lạnh cóng.

Kế bên bạn, “anh xã” vẫn ngủ say sưa. Xem nhiệt kế, nhiệt độ phòng là 200C. Thì ra, chồng đã giảm nhiệt độ máy điều hòa trong khi bạn ngủ. Bạn băn khoăn không hiểu, tại sao mình cảm thấy thoải mái với nhiệt độ 250C, trong khi chồng bạn lại cho là quá nóng.

Khoa học đã chứng minh, không có sự khác biệt về nhiệt độ của cơ thể giữa nam và nữ. Tuy nhiên, phụ nữ dường như dễ nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ môi trường xung quanh hơn nam giới. Hơn nữa, cơ thể của phụ nữ thường nhỏ nhắn hơn nam giới, diện tích da tiếp xúc với môi trường xung quanh nhiều hơn nam. Theo một nghiên cứu của Đại học Utah (Hoa Kỳ), nhiệt độ của cơ thể phụ nữ có vẻ hơi ấm hơn của nam giới, trong khi đó tay và chân của phụ nữ lại hơi lạnh hơn.

Ngoài yếu tố khách quan, khoa học đã lý giải như trên, thỉnh thoảng, cảm giác nóng-lạnh mang tính chủ quan và phụ thuộc trạng thái tâm lý. Điều cần biết là: “Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một nơi mà mọi người đều có cùng cảm giác về nhiệt độ, và bạn cũng chẳng bao giờ tìm thấy sự đồng thuận giữa nhiều người xung quanh mình về nhiệt độ môi trường”.

Nhưng, có một điều quan trọng, bạn ít quan tâm, đó là mức độ stress sẽ khiến bạn cảm thấy nhiệt độ cơ thể thay đổi, dẫn đến cảm giác dễ bất an hơn. Khoa học xác nhận, vùng hạ đồi giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, trong khi stress là nguồn gốc ngăn cản hoạt động của vùng hạ đồi. Khi bạn bị stress, hệ thần kinh tự động (hệ thần kinh thực vật) khởi động tiến trình điều chỉnh lưu lượng máu của cơ thể đến các cơ quan.

Cụ thể, lượng máu sẽ dồn về các cơ quan quan trọng trong cơ thể (như tim, não, gan, thận…), đồng thời làm giảm lượng máu ra các cơ quan ngoại vi như bàn tay, bàn chân. Chính những lúc đó, bạn cảm thấy tay chân của mình lạnh hơn, nhưng xét tổng thể, thì stress làm cho bạn cảm giác lúc nào cũng nóng bức. Thế là bạn giảm nhiệt độ trong phòng làm việc để giúp “làm mát” cơ thể, trong khi đồng nghiệp có người lại run lập cập.

Stress có thể khiến bạn và “anh xã” dễ xa nhau dù ở cùng một căn phòng, với cùng một nhiệt độ của máy điều hòa. Điều tốt nhất là nên hạn chế stress, nhưng điều này không dễ thực hiện trong đời sống hiện đại. Vì thế, dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống gây cho bạn stress, hãy dành thời gian thư giãn, nghe nhạc, giải trí phù hợp sở thích của bạn và gia đình. Quan trọng nhất vẫn là biết cách chia sẻ với người thân.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn