Nắng nóng như nung suốt tuần qua với nhiệt độ phổ biến 38 - 39oC, nhiều nơi lên tới 41oC - 420C. Tuy mới là đợt nắng nóng trên diện rộng đầu tiên trong mùa hè nhưng thời tiết đã rất gay gắt. Đến 19h, khi mặt trời đã lặn, nhiệt độ vẫn còn phổ biến 36 - 37oC. Nhiệt độ cao, độ ẩm xuống thấp dưới 50% khiến cảm giác oi nóng, ngột ngạt đeo bám suốt cả ngày. Cuộc sống người dân miền Bắc những ngày vừa qua cũng vì thế mà đảo lộn. Bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhi mắc bệnh nặng.
![]() Nắng nóng khiến số trẻ em nhập viện tăng cao. |
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục, 2 ngày tới, lượng bệnh nhi đổ về sẽ đông hơn. Nguyên nhân là bệnh tật không đến ngay, nó phải đủ thời gian mới gây suy giảm sức đề kháng của trẻ, khiến trẻ mệt vì khả năng điều hòa nhiệt kém”. Lượng bệnh nhân không tăng nhưng trẻ mắc bệnh đều nặng hơn do thời tiết thay đổi, chênh lệch nhiệt độ khi trẻ đi từ vùng nóng vào phòng có điều hòa lạnh và do cơ thể chưa kịp thích nghi với nhiệt độ cao bất thường. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ chủ quan, thấy con bệnh nhẹ nên tự mua thuốc về cho trẻ uống. Bệnh tình không đỡ mà còn nặng lên mới đưa đến bệnh viện điều trị. BS. Dũng cho biết, một số loại virut như virut hợp bào hô hấp thường trực ở mũi họng, khi người nhiễm virut sẽ phát bệnh viêm họng, cảm cúm... Trời nóng, trẻ ở trong phòng có điều hòa, quạt, tắm nhiều hơn, là điều kiện thuận lợi cho virut phát triển. Thời tiết những ngày vừa qua cũng khiến trẻ bị tiêu chảy kèm theo sốt. Nhiều trẻ bị sốt do nhiễm khuẩn hoặc hệ thống điều hòa thân nhiệt của trẻ chưa ổn định nên khi bên ngoài trời nắng nóng quá cũng khiến trẻ phải nhập viện. Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, cả BV Nhi TW và BV Bạch Mai đều tăng cường thầy thuốc ra Khoa Khám bệnh, kéo dài thời gian thăm khám để giải quyết hết bệnh nhân.
Tại Nghệ An, một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt nắng nóng, nhiều nơi, nhiệt độ ngoài trời lên tới 40oC. Nắng nóng đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt làm gia tăng đột biến số bệnh nhi nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi tỉnh Nghệ An, hai ngày 15 - 16/5 số bệnh nhi đến khám và điều trị tăng từ 130 - 140% so với ngày thường. Nếu trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân thì mấy ngày nay con số này lên đến 800 - 900 bệnh nhi. Bệnh nhân điều trị nội trú hơn 450/ 320 giường bệnh. Các khoa phải bố trí thêm giường, cắt cử kíp trực ngoài giờ, khi trẻ đã đỡ bệnh, sẽ chuyển điều trị tại nhà. Trong các trường hợp bệnh nhi phải nhập viện, các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy chiếm hơn 70%. Trẻ bị bệnh kèm theo thời tiết quá nóng khiến trẻ bị co giật và phát ban. Điều đáng nói là nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa có kiến thức về chăm sóc cho trẻ trong thời tiết nắng nóng.
Tại khu vực miền Trung, BS. Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Trung ương Huế cho biết, nắng nóng nhiều ngày qua khiến lượng bệnh nhân khám và điều trị tại khoa tăng, 300 - 350 bệnh nhân/ngày tập trung vào hai bệnh chủ yếu là bệnh về đường hô hấp và bệnh về đường tiêu hóa. “Để phục vụ kịp thời cho các bệnh nhân, trong những ngày qua, Khoa Nhi đã huy động 100% cán bộ bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp mở rộng các loại hình khám, chữa bệnh đảm bảo phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân 24/24 giờ” - BS Hưng cho biết.
Tại Quảng Bình, nhiệt độ đo được ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, TP. Đồng Hới gần 39oC, Quảng Trị nhiệt độ gần 40oC. Nắng nóng kéo dài những ngày qua làm số lượng bệnh nhi ở hai tỉnh này tăng lên gấp đôi so với ngày thường. Ca nhập viện vì sốt virut, viêm đường hô hấp và tiêu chảy cũng tăng cao.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì nắng nóng diện rộng tiếp tục hoành hành trong 1 - 2 ngày tới. Tại miền Trung, miền Bắc nhiệt độ cao nhất trong ngày, phổ biến 36 - 38oC, riêng khu vực vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ nhiều nơi có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ trên 39oC. Nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng là do áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió Tây Nam khô nóng sau khi vượt dải Trường Sơn khiến nắng nóng xảy ra trên diện rộng.
Nhóm PV - CTV