Hà Nội

Nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân ung thư

14-08-2014 15:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phản ứng tự nhiên khi một người biết mình bị ung thư đi từ hốt hoảng, sốc, không tin… đến trạng thái lo lắng, mỏi mệt, trầm cảm…

Phản ứng tự nhiên khi một người biết mình bị ung thư đi từ hốt hoảng, sốc, không tin… đến trạng thái lo lắng, mỏi mệt, trầm cảm… trong quá trình điều trị kéo dài. Có nhiều lý do ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh nhân như: điều trị ung thư ít nhiều đều để lại di chứng (ung thư vú thường phải cắt bỏ vú, vô thuốc làm rụng tóc, sạm da, xạ trị làm khô da), đến quan niệm của mọi người xung quanh xa lánh bệnh nhân (do sợ bị lây bệnh, đem điềm xui đến gia đình), bản thân người bệnh lúc nào cũng ám ảnh về chuyện tái phát. Tất cả đều gây áp lực, tạo cảm giác mặc cảm, lo âu cho bệnh nhân.

Ngoài ra, mặc dù bảo hiểm y tế hiện nay đã chi trả nhiều khoản cho bệnh nhân ung thư nhưng do trị liệu bệnh thường kéo dài, nhiều thuốc đắt tiền nên nhìn chung phần lớn bệnh nhân đều lâm vào cảnh thiếu hụt nhất là những trường hợp bệnh tái phát hoặc di căn. Còn phải kể đến những trở ngại do các yếu tố thuộc về văn hóa, tâm linh đã hằn sâu trong tâm trí nhiều người, nhất là bệnh nhân ở nông thôn: kiêng ăn nhiều loại thực phẩm như: thịt, cá…(mặc dù bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân phải ăn nhiều), hoặc quá tin vào các phương thuốc mang tính “gia truyền”, “bí truyền” thiếu tính khoa học, khiến bệnh nhân phải gánh chịu thêm nhiều áp lực khi bị bệnh.

Sinh hoạt của câu lạc bộ bệnh nhân ung thư - BV. Quận Thủ Đức

Sinh hoạt của câu lạc bộ bệnh nhân ung thư - BV. Quận Thủ Đức

Như vậy, trong suốt quá trình điều trị và theo dõi, bên cạnh những tác dụng phụ, biến chứng trực tiếp do bệnh hoặc phương pháp trị liệu gây ra, bệnh nhân còn phải đối đầu với muôn vàn những khó khăn khác mà không phải ai cũng có thể vượt qua được. Hiện nay, do số lượng bác sĩ chuyên khoa còn khiêm tốn so với lượng bệnh nhân quá lớn, cũng như chưa có chuyên gia tâm lý phù hợp nên phần lớn bệnh nhân không được tư vấn, giải đáp và giải tỏa tâm lý đúng mức nên có những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ, rất đơn giản lại gây hoang mang lớn nếu không giải quyết kịp thời.

Thực tế điều trị tại khoa Ung bướu- Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM, nhất là từ khi thành lập câu lạc bộ bệnh nhân ung thư, qua những lần sinh hoạt, những lần dã ngoại cùng bệnh nhân, nghe những tâm sự, lo toan, thắc mắc của họ, bác sĩ kịp thời giải đáp nên tỉ lệ bệnh nhân bỏ điều trị hầu như không có, tất cả bệnh nhân đều thoải mái, vui vẻ trong suốt quá trình theo dõi. Ngoài ra, giữa bệnh nhân với nhau, họ dễ dàng chia sẻ, thông cảm với nhau hơn.

Như vậy, bệnh nhân ung thư không chỉ cần những toa thuốc, những lần phẫu thuật, những chỉ định chuyên khoa khô khan, họ còn cần nhiều hơn những cảm thông, quan tâm, chia sẻ từ phía nhân viên y tế và từ những người cùng cảnh ngộ, bởi vì điều trị ung thư là một chặng đường dài, mệt mỏi, bệnh nhân cần những người bạn đồng hành cảm thông hơn là những chuyến xe xa lạ.

BS. Nguyễn Triệu Vũ

Trưởng khoa Ung Bướu,

BV. Quận Thủ Đức - TP.HCM


Ý kiến của bạn