Hà Nội

Nâng cao y đức, đẩy lùi tiêu cực

02-01-2014 20:57 | Thời sự
google news

SKĐS -Chào đón năm 2014, Ngành y tế Nghệ An tổ đã tổ chức thành công chung kết Hội thi Tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ và 12 điều y đức. Đây là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng rộng lớn, bổ ích để cán bộ ngành y tế có dịp nhìn nhận lại mình, qua đó nâng cao ý thức trau dồi

Chào đón năm 2014, Ngành y tế Nghệ An tổ đã tổ chức thành công chung kết Hội thi Tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ và 12 điều y đức. Đây là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng rộng lớn, bổ ích để cán bộ ngành y tế có dịp nhìn nhận lại mình, qua đó nâng cao ý thức trau dồi kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.

Hấp dẫn và thu hút

Thành phố Vinh chào đón năm mới với không khí thật sôi nổi, hào hứng bởi đây là tranh tài của những đội xuất sắc, nổi trội nhất trong cuộc thi thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ và 12 điều y đức. Tất cả các đội thi đã có sự chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu, tập luyện nghiêm túc các tiết mục theo đúng chủ đề của hội thi; tập hợp đầy đủ các gương mặt hạt nhân trong phong trào tuyên truyền văn hóa, văn nghệ của các đơn vị khám chữa bệnh. 14 đội thi tham dự lần lượt trải qua ba phần thi, bao gồm: màn chào hỏi, phần thi kiến thức và tiểu phẩm…

Ở phần thi chào hỏi, các đội thi tự giới thiệu về đơn vị mình, các thành viên tham gia và các hoạt động triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ cơ sở và 12 điều y đức. Hình thức thể hiện hết sức sinh động, có đội tiếp cận sân khấu bằng hình thức thơ ca, có đội bằng hò vè, kịch. Đặc biệt, những giai điệu dân ca ví, dặm đã được sử dụng tối đa tạo nên sự gần gũi, thân thiện, chiếm được tình cảm của đông đảo người theo dõi. Những y, bác sỹ, nhân viên y tế vốn chỉ quen với nhiệm vụ chăm sóc cứu chữa cho người bệnh, lần đầu lên một sân khấu lớn không tránh khỏi sự ngượng ngùng nhưng họ đã hết sức cố gắng để nhập vai, diễn truyền cảm… Đặc biệt, trong phần ứng xử, ban giám khảo đã đặt ra những tình huống hay, nhạy cảm, sát sườn như “đối mặt phong bì”, “xử lý trước những bức xúc của người nhà” đã khiến không ít thí sinh giật mình, người theo dõi buộc phải “soi” lại mình.


	Tiểu phẩm

Tiểu phẩm "Chỉ một lần thôi" của BVĐK TP Vinh

Tiểu phẩm chính là phần hấp dẫn nhất của hội thi. 14 tiểu phẩm tự biên tự diễn, “cây nhà lá vườn” tập trung vào các vấn đề, sự việc, tình huống mà xã hội đang quan tâm, đã và đang diễn ra hàng ngày tại  trạm y tế, từng khoa, từng phòng trong bệnh viện. Nhiều tiểu phẩm đã đề cập thẳng đến những biểu hiện chưa tốt trong mối quan hệ giữa thầy thuốc, nhân viên y tế với người bệnh và gia đình bệnh nhân, những thực tế phát sinh ở đâu đó đang gây bức xúc cho bệnh nhân. Với tiểu phẩm “Chuyện nhỏ ở bệnh viện” của đội thi Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng tỉnh đề cập đến vấn đề “đầu tiên”, tinh thần thái độ đón tiếp bệnh nhân, chế độ thẻ bảo hiểm y tế; “Lỗi tại cả hai” của đội thi Trung tâm Y tế huyện Đô Lương nêu lên sự hiểu nhầm do việc viết tắt tình trạng bệnh của y bác sỹ; “Tình yêu ở lại” của đội thi Trung tâm Y tế Thị xã Thái Hòa nói về công tác xét nghiệm bệnh nhân HIV; tiểu phẩm của đội thi Bệnh viện Đa khoa huyện Anh Sơn nói về quyết tâm bằng mọi giá cứu chữa bệnh nhân; “Ôi cái thủ tục nhập viện” của đội thi Bệnh viện Đa khoa Quỳ Hợp thì kể về một câu chuyện anh chàng dân tộc thiểu số mù chữ đưa vợ đi đẻ…

Tâm sự người trong cuộc

Mỗi tiểu phẩm mang các thông điệp khác nhau, nhưng đều tập trung ca ngợi, biểu dương những việc làm, hành động, ứng xử đáng tôn vinh, hoặc phê phán những biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ y tế. Hai tiểu phẩm gây được xúc động mạnh nhất chính là “Khuất trong thầm lặng” của đội thi Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và “Chỉ một lần thôi” của Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. “Chỉ một lần thôi” kể về nghĩa cử cao cả của một y tá bụng mang dạ chữa vẫn hiến máu để cứu người. Còn “Khuất trong thầm lặng” đặc tả về tâm trạng giằng xé trong khoảnh khắc sự sống và cái chết gần nhau gang tấc, bắt buộc người thầy thuốc phải lựa chọn cứu một bệnh nhân bị đâm thủng tim và người cha đang bị tai biến ở quê nhà. Tiểu phẩm của đội thi Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đã gây xúc động mạnh đến người xem.

Có lẽ chỉ có tại hội thi, những người thầy thuốc mới có dịp bày tỏ rõ nhất những băn khoăn trăn trở của mình khi phải đối mặt với những tình huống khó xử, thậm chí là nguy hiểm. Bác sỹ, Thạc sỹ Võ Dũng, đội thi Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Những gì diễn trên sân khấu không hề là kịch mà là những gì chúng tôi đã trải nghiệm trong thực tế. Những trải nghiệp này đã giúp chúng tôi thêm quyết tâm rèn luyện mình, nâng cao tinh thần trách nhiệm để rồi từ đó làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”. Mặc dù, chưa thể phản ánh hết những góc khuất trong văn hóa ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân, trong việc thực hiện 12 điều y đức song hội thi đã góp được chút “gió” để các bệnh viện, cơ sở y tế từng bước xây dựng hình ảnh người thầy thuốc đẹp, thân thiện với người bệnh nhân.

Chị Mai Thị Nga, Trạm Y tế xã Hòa Sơn, đội thi Trung tâm Y tế huyện Đô Lương tâm sự: “Cuộc thi là sân chơi bổ ích cho mỗi cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở. Qua đó chúng tôi có dịp giao lưu học tập, rèn luyện kỹ năng ứng xử đối với đồng nghiệp và bệnh nhân. Sau cuộc thi, chúng tôi sẽ về phổ biến cho toàn thể anh chị em trong đơn vị cùng phấn đấu, tiếp tục học tập tốt 12 điều y đức nhằm làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân”.

Chị Dương Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Hiếu, đội thi Trung tâm Y tế Thị xã Thái Hòa bày tỏ: “Thông qua hội thi, chúng tôi - những người hành nghề y càng hiểu thêm tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: “Nghề y là nghề cao quý, nghề giúp nước, giúp dân, là nghề nhân thuật, nghề liên quan đến tính mệnh con người. Vì vậy, người làm nghề y không thể là người kém cỏi về tài năng cũng như đạo đức”; tư tưởng lương y như từ mẫu “cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo BS. Bùi Đình Long – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An , giá trị nhân văn của hội thi là rõ ràng, giúp cho nhân viên y tế tự xem xét lại cách ứng xử của mình, giúp bác sỹ và người bệnh xích lại gần nhau hơn. Thời gian tới, để đưa kết quả hội thi áp dụng vào thực tế, ngành tiếp tục đẩy mạnh hơn, toàn diện hơn việc thực hiện 12 điều y đức, quy chế ứng xử, tạo nên phong trào thi đua “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh” sôi nổi trong toàn ngành, gắn với thi đua khen thưởng hàng năm.

Bài, ảnh: Từ Thành - Thành Chung

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh; Đội tuyển Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh, Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc đoạt giải Nhì; Đội tuyển Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đồng giải

 

 


Ý kiến của bạn