Hà Nội

Nâng cao vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

28-11-2021 07:00 | Xã hội

SKĐS - Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng báo động của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhằm giảm thiểu tình trạng này chúng ta cần tiến hành nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao vai trò và vị thế của trẻ em gái trong xã hội.

Vai trò và vị thế của trẻ em gái

Những cô gái vị thành niên có quyền có một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong những năm tháng trưởng thành quan trọng, mà cả khi các em trở thành phụ nữ. Thực tế cho thấy nếu được bảo đảm các quyền này trong giai đoạn vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới khi trở thành những người lao động trong tương lai, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, người chủ gia đình, và các nhà lãnh đạo chính trị.

Đầu tư cho việc hiện thực hóa tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên sẽ cho phép bảo vệ quyền của các em hôm nay và bảo đảm một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn. Một tương lai mà ở đó, các cô gái sẽ chia sẻ cùng một nửa nhân loại để giải quyết những cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột chính trị, tăng trưởng kinh tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển bền vững toàn cầu...

Chỉ khi vai trò và vị thế của trẻ em gái được xã hội nhìn nhận đúng đắn thì mới có thể xóa bỏ được bất bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam hơn nữ, nguyên nhân sâu xa của việc mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS).

Nâng cao vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 1.

Xóa bỏ định kiến sinh con trai, nâng cao vị thế cho trẻ em gái.

Các giải pháp góp phần nâng cao vị thế của trẻ em gái

Nhằm nâng cao vị thế của trẻ em gái, cách đây 10 năm, năm 2011 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 11 tháng 10 hàng năm làm ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích của ngày này là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.

Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay (11/10/2021) với chủ đề: "Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó từng bước góp phần giảm thiểu MCBGTKS.

Nâng cao vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 2.

Biểu dương các em gái chăm ngoan, học giỏi tại huyện Thường Tín, Hà Nội.

Tình trạng MCBGTKS tác động tiêu cực đến hôn nhân và gia đình, trật tự an toàn xã hội. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng MCBGTKS, ngược lại MCBGTKS sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng. Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình thì các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước.

Vì vậy, bảo vệ quyền của các em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn.

Phá bỏ vòng lặp của định kiến phân biệt đối xử giữa nam và nữ cũng như vấn nạn bạo lực. Đồng thời đề cao vai trò của các bé gái, mở ra nhiều cơ hội hơn để các em có thể tự do phát triển, tự do tận hưởng một cuộc sống an toàn, được giáo dục đầy đủ.

Một khi có kiến thức, có sức khỏe, tương lai các bé gái có thể thay đổi thế giới, thay đổi cách nhìn của những người cho rằng con gái không thể bằng con trai. Trẻ em gái trên khắp mọi nơi xứng đáng được yêu thương, được trân trọng, được trao cơ hội để tiến xa hơn, vươn xa hơn.

Chính vì vậy, nâng cao vị thế cho trẻ em gái là một giải pháp thiết thực nhằm xóa bỏ rào cản về định kiến giới, trọng nam hơn nữ, góp phần giảm thiểu bất bình đẳng giới và MCBGTKS hiện nay ở nước ta.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi

Mai Hương
Ý kiến của bạn