Đây là một trong những yêu cầu của UBND TP Hà Nội trong công văn 459/UBND-KGVX về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn năm 2024.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu BHXH thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về BHYT thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Triển khai thực hiện các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, được BHXH Việt Nam giao năm 2024.
Các đơn vị cũng thực hiện nghiêm túc quy định về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chỉnh phủ, và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
BHXH Hà Nội chủ động rà soát, phân tích dữ liệu chi phí khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán, theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP; kịp thời thông tin cảnh báo tới các cơ sở khám chữa bệnh các chi phí tăng cao, so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến, cùng hạng, cùng chuyên khoa...
Đồng thời, phối hợp tổ chức các buổi làm việc các cơ sở khám chữa bệnh, để yêu cầu rà soát, điều chỉnh, và có biện pháp quản lý Quỹ BHYT hiệu quả.
UBND TP cũng đề nghị BHXH Hà Nội nâng cao chất lượng công tác giám định bảo hiểm y tế; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý chi khám chữa bệnh, thực hiện giám định theo chuyên đề qua phân tích dữ liệu khám chữa bệnh BHYT. Đặc biệt là bám sát tình hình chi phí tại từng cơ sở khám chữa bệnh, kiên quyết từ chối thanh toán BHYT các chi phí bất hợp lý, sai quy định.
Cùng đó, BHXH phối hợp với Sở Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả các cơ sở thuộc Bộ Y tế và các Bộ/ngành trên địa bàn, trong việc sử dụng dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, BHXH thành phố cũng cần thường xuyên rà soát điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, của các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Định kỳ 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng, BHXH thành phố thông báo tới Sở Y tế, cơ quan quản lý y tế các Bộ, ngành, và chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã, báo cáo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về số liệu chi phí khám chữa bệnh BHYT, của các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán...
UBND TP cũng đề nghị BHXH Hà Nội cần có giải pháp vận động người dân tham gia BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng; nâng cao vai trò giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh.