Hà Nội

Nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số

20-12-2021 16:15 | Xã hội
google news

SKĐS- Việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg.

Nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số  - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua: Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới.

Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước (tương ứng là 58,5% và là 57,4%). Tây Nguyên là nơi có chỉ số già hóa thấp nhất so với các vùng còn lại trên cả nước (28,1%).

PGS. TS Giang Thanh Long – giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, tuổi thọ của người Việt Nam những năm gần đây được cải thiện rất nhanh nên số người cao tuổi tăng nhanh. Là nước thu nhập trung bình thấp nhưng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam gần 74. Tuy rằng tuổi thọ trung bình người Việt Nam cao bằng Thái Lan, Malaysia, nhưng số năm ốm đau trung bình của một người thì nhiều hơn. Chỉ số tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam còn thấp, số năm ốm đau, bệnh tật nhiều.

Thực trạng sống thọ mà không khỏe, dân số già nhanh nhưng không khỏe là điều đáng lo ngại. Dẫn chứng là số người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, xương khớp, tiểu đường... ngày càng phổ biến. Những bệnh này sẽ đeo bám cả đời, dẫn đến chi phí lớn khi dân số già nhanh, tạo nên gánh nặng về bệnh tật cho xã hội.

Để giải quyết những thách thức về công tác chăm sóc người cao tuổi (NCT), các ngành, các cấp và các địa phương cần nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số và lồng ghép, triển khai các hoạt động chăm sóc NCT vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thành phố, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc NCT.

Thời gian qua, ngành dân số các địa phương thường xuyên tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và cách phòng tránh một số bệnh thường gặp: cao huyết áp, tai biến mạch máu não, tim mạch, tiểu đường, hô hấp…; đồng thời, phối hợp ngành y tế xây dựng môi trường y tế thân thiện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT.

Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 cũng được Bộ Y tế ban hành từ ngày 30/12/2016 trên toàn quốc. Trong đó, ưu tiên các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cao về NCT, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ cao NCT gặp khó khăn, dân tộc thiểu số. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố sẽ chỉ đạo Sở Y tế (đầu mối là Chi cục DS - KHHGĐ) phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng đề án/kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT của tỉnh nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Các chuyên gia dân số cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù có nhiều biện pháp vậy, tuy nhiên hiện công tác tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng còn ít. Ở nhiều địa phương, các hoạt động này chủ yếu mang tính đơn lẻ, tự phát. Việc thành lập các câu lạc bộ NCT, câu lạc bộ dưỡng sinh… rất có ích cho sức khỏe của họ, song hình thức này còn nhiều hạn chế và bị chi phối bởi kinh phí hoạt động hạn hẹp và đối tượng tổ chức.

Hơn nữa, công tác khám, chữa bệnh cho NCT vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng các cụ phải tự bỏ tiền để khám chữa bệnh vẫn còn phổ biến, do vậy chi phí này đã, đang là một gánh nặng cho NCT và gia đình. Chính vì vậy, việc thành lập các trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT để phục vụ nhu cầu được chăm sóc sức khỏe toàn diện, rèn luyện nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần, khám phát hiện và điều trị bệnh kịp thời của NCT là rất cần thiết.

Cùng với đó, mô hình bệnh tật ở người già có những đặc thù riêng. Bởi vậy để quản lý điều trị tốt đối tượng này cần có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa, có hệ thống chăm sóc sức khỏe Lão khoa đồng bộ. Các bác sĩ lão khoa cũng cần được đào tạo chuyên sâu và phải có kinh nghiệm trong phối hợp điều trị.

Theo PGS.TS Giang Thanh Long, mô hình chăm sóc người cao tuổi phải là mô hình tích hợp, không phải chỉ vì kinh tế. Nghèo về kinh tế nhưng phải tốt về tinh thần. Hiện ở nước ta đã có mô hình chăm sóc sức khỏe NCT rất hay được thế giới công nhận là CLB liên thế hệ, tức người già, người trẻ cùng tham gia và có sự chia sẻ với nhau về mặt tinh thần, thu nhập. Điều đó làm cho người cao tuổi luôn cảm thấy mình có ích cho xã hội, gia đình. Khi cảm thấy có ích, tinh thần người ta sẽ tốt.

Việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.



T.H
Ý kiến của bạn