Nâng cao nhận thức người dân trong xử lý rác thải y tế tại nhà

19-08-2024 10:04 | Xã hội

SKĐS - Việc người dân có ý thức phân loại rác thải y tế tại nguồn là hành động nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tiết kiệm chi phí xử lý, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, việc phân loại rác thải y tế để xử lý cũng là một trong những vấn đề đang rất cần được quan tâm bởi chúng không như cách phân loại loại rác thải sinh hoạt thông thường, nguồn rác thải y tế không chỉ khó xử lý mà còn có thể tồn tại những mầm bệnh nguy hiểm có thể gây hại cho sức khỏe con người nếu không được xử lý đúng cách.

Nâng cao nhận thức người dân trong xử lý rác thải y tế tại nhà- Ảnh 1.

Rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm cần được phân loại kĩ càng.

Theo như quy định phân loại đối với rác thải, cần đặt thùng rác riêng biệt, có lót túi ni lông bên trong. Rác thải cần được thu gom, xử lý hàng ngày hoặc khi thùng rác đầy. Đồng thời, người nhà cần đeo găng (loại sử dụng một lần) khi xử lý rác thải, bỏ găng tay ngay sau khi xử lý xong. Đặc biệt, cần rửa tay sau khi xử lý chất thải.

Ngoài ra, nơi chứa chất thải y tế phải cách xa an toàn nơi chứa thức ăn hoặc khu vực nấu ăn, phải được để tránh những người không có nhiệm vụ tùy tiện ra vào, các túi rác hoặc thùng chứa phải được bố trí ở nơi thuận tiện. Tất cả các chất thải chứa trong đó phải xa ánh sáng mặt trời và các chất thải độc hại phải được tách riêng khỏi chất thải thông thường.

Đặc biệt, đối với những loại rác thải y tế như kim tiêm, dao sắc nhọn, cán dao mổ, mảnh thủy tinh vỡ và các vật dụng có đầu nhọn hoặc cạnh sắc, cũng như các vật dụng dễ vỡ trong quá trình vận chuyển. Những vận dụng này có thể tạo thành đầu nhọn gây ra vết cắt hoặc chọc thủng da cần được phân loại riêng trong hộp chứa.

Nâng cao nhận thức người dân trong xử lý rác thải y tế tại nhà- Ảnh 2.

Kim tiêm phải được phân loại để riêng trong hộp nhựa.

Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phân loại rác thải cho nhân viên y tế tại, các bệnh viện, phòng khám… thì việc tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân, bệnh nhân là hết sức cần thiết, đặc biệt là những nhóm bệnh nhân thường xuyên phải sử dụng tới nhiều vật dụng y tế tại nhà như các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh tiểu đường.

Hiện nay số lượng người mắc tiểu đường theo số liệu của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới, trên toàn cầu cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 7 triệu người mắc căn bệnh này, chiếm số lượng rất cao trong các nhóm bệnh nhân.

Theo đó, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống ghi nhận một số trường hợp thuộc nhóm bệnh nhân mắc tiểu đường trên địa bàn Hà Nội, cho thấy lượng rác thải y tế thải ra với mỗi bệnh nhân trong nhiều năm là rất lớn.

Nâng cao nhận thức người dân trong xử lý rác thải y tế tại nhà- Ảnh 3.

Bà Khế đang phân loại riêng từng nhóm rác thải y tế trước khi mang đi vứt.

Bà Phạm Thị Khế, 76 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ rằng: "Do bệnh tiểu đường lâu năm tôi thường xuyên phải dùng các loại thuốc đặc trị. Ngoài ra, một ngày tôi phải tiêm tối thiếu 2 mũi. Như vậy, mỗi tuần tôi phải dùng đến 14 ống kim tiêm cùng với khoảng 18 lọ thủy tinh đựng thuốc".

Qua đó bà Khế cũng cho biết thêm rằng, do thường xuyên sử dụng các vật dụng y tế như kim tiêm, bông băng, chai thủy tinh đựng thuốc nên bản thân bà sau nhiều năm cũng có những kinh nghiệm trong phân loại rác như: Đối với rác thải y tế, sẽ được chia làm hai thùng. Một thùng chứa các loại rác thải y tế thông thường và một hộp đựng kim tiêm đã qua sử dụng. Điểm đặc biệt là các thùng chứa này đều được dán nhãn bản thân và gia đình dễ nhận biết.

Nâng cao nhận thức người dân trong xử lý rác thải y tế tại nhà- Ảnh 4.

Người dân phân loại cẩn thận các hộp chứa gồm: rác thải y tế, kim tiêm, rác tái chế.

Cũng giống như trường hợp của bà Khế, bà Hoàng Thị Kim, 65 tuổi (Đống Đa, Hà Nội). Một bệnh nhân điều trị tiểu đường tại nhà đã 8 năm cho biết: "Hằng ngày tôi vẫn tự phân loại kim tiêm, ống thuốc và các loại bông băng, găng tay sau khi sử dụng. Tôi thấy các loại rác như kim tiêm nếu không được để riêng sẽ rất nguy hiểm cho bản thân, gia đình, đặc biệt là nhưng người thu gom rác. Vì vậy tôi mong việc phân loại rác thải y tế sẽ được tuyên truyền sâu rộng hơn cho những bệnh nhân đang điều trị tại nhà".

Việc người dân hiểu về cách thức phân loại rác thải y tế, không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho gia đình người bệnh, cho cộng đồng mà còn giúp những người thu gom rác thải an toàn hơn, giảm sự quá tải của lực lượng thu gom rác thải.

Có thể thấy để góp phần vào nâng cao phân loại rác thải y tế tại nguồn của người dân, thì các ngành, các cấp, chính quyền cũng phải chung tay phối hợp chặt chẽ và đa dạng các hình thức tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, cơ quan,… Cần làm cho người dân thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của công việc này, từ đó hình thành thói quen phân loại rác thải y tế tại nhà.

Phân loại tốt chất thải y tế, góp phần xây dựng môi trường y tế an toàn, sạch, đẹpPhân loại tốt chất thải y tế, góp phần xây dựng môi trường y tế an toàn, sạch, đẹp

SKĐS - Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai cơ sở y tế “Xanh, sạch, đẹp” tại tất cả các cơ sở y tế trong toàn quốc, một trong các nội dung của kế hoạch này là quản lý chất thải y tế. Để góp phần làm cho các cơ sở y tế ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, an toàn và thân thiện với môi trường, mỗi nhân viên y tế, mỗi người bệnh và người nhà người bệnh cần tuân thủ tốt quy trình phân loại chất thải y tế.

Xem thêm video đang được quan tâm:

VIDEO - Cuộc thi cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp lần thứ 1.



Vũ Hồng Hải
Ý kiến của bạn