Nâng cao nhận thức để xử trí và phòng ngừa căn bệnh khiến 15 triệu người mắc mỗi năm

29-10-2023 18:32 | Y tế

SKĐS - Hơn 100 cán bộ, người dân phường Nghĩa Tân đã tham gia chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ. Qua đó, người dân sẽ hiểu thêm về cách nhận diện, xử trí ban đầu các trường hợp đột quỵ tại nhà và các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống đột quỵ.

Nhân Ngày thế giới Phòng chống đột quỵ 29/10, BV E phối hợp với UBND phường Nghĩa Tân tổ chức chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ "Nhận diện và xử trí ban đầu bệnh nhân đột quỵ não cấp".

Ngày  Đột quỵ thế giới 29/10 năm nay có chủ đề "Chủ động kiểm soát và phòng tránh đột quỵ", các thầy thuốc Bệnh viện E đã tham gia truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức, kỹ năng của cộng đồng về nhận diện và xử trí ban đầu bệnh nhân đột quỵ não cấp. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa đột quỵ.

Nâng cao nhận thức để xử trí và phòng ngừa căn bệnh khiến 15 triệu người mắc mỗi năm - Ảnh 1.

Người dân và cán bộ BV E tham gia tuyên truyền phòng nâng cao nhận thức và chống bệnh đột quỵ.

Ông Lâm Văn Thảo - Phó Chủ Tịch phường Nghĩa Tân cho rằng, đây là cơ hội để nâng cao nhận thức về tính chất nghiêm trọng và tỷ lệ cao của đột quỵ và nói về những cách mà chúng ta có thể giảm gánh nặng đột quỵ thông qua nhận thức cộng đồng tốt hơn về các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu của đột quỵ. Mỗi người dân tham gia chương trình này sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhằm lan tỏa những kiến thức, kỹ năng về nhận diện và xử trí ban đầu đúng cho người bệnh đột quỵ não cho cộng đồng.

Nâng cao nhận thức để xử trí và phòng ngừa căn bệnh khiến 15 triệu người mắc mỗi năm - Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E phát biểu tại chương trình.

TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi nhưng ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ). Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, ma túy), đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác.

Tại chương trình, các bác sĩ BV E còn có cuộc nói chuyện với chủ đề "Nhận diện và xử trí ban đầu bệnh nhân đột quỵ não cấp". Theo đó, có hiểu biết về bệnh đột quỵ và các phương pháp điều trị sớm sẽ hạn chế cho người bệnh và gia đình họ phải đối mặt với hậu quả của đột quỵ não, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nâng cao nhận thức để xử trí và phòng ngừa căn bệnh khiến 15 triệu người mắc mỗi năm - Ảnh 3.

Xử trí ban đầu đúng và đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời sẽ giảm thiểu được di chứng sau đột quỵ não.

Cách nhận biết và phòng ngừa đột quỵ

Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng, do đó việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng. Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng (B-E-F-A-S-T) như:

  • (B) Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng.
  • (E) Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn.
  • (F) Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch.
  • (A) Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người.
  • (S) Giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.
  • (T) Khi bắt gặp những triệu chứng trên, hãy gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đang ăn cơm bỗng lả dần, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nãoĐang ăn cơm bỗng lả dần, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não

SKĐS - Đang ăn cơm, uống rượu, người đàn ông bất ngờ lả dần, không nói được, liệt nửa người.


T. Xuân
Ý kiến của bạn