Hà Nội

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho học sinh, biện pháp giúp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

26-11-2021 17:41 | Xã hội

SKĐS - Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đã đang là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam. Để góp phần giải quyết thực trạng này, chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc đưa nội dung này vào các trường trung học.

Thực trạng và hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam

Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể.

Theo thống kê, trong các thập niên gần đây TSGTKS của nước ta có xu hướng tăng nhanh hơn, bình quân khoảng 1 điểm phần trăm mỗi năm, gấp đôi tốc độ gia tăng tại các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. 

TSGTKS của Việt Nam hiện tại đã mất cân bằng khá lớn 111 trẻ nam/100 trẻ gái (Nguồn Quỹ dân số Liên hợp quốc, 2011). Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì hiện tại TSGTKS của Việt Nam cao hơn một số nước láng giềng Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Lào (những nước này có TSGTKS khoảng 105, ở mức tự nhiên và không xảy ra mất cân bằng giới tính khi sinh); cao hơn Ấn Độ và một số nước khác trong khu vực, chỉ thấp hơn Trung Quốc, Azecbaizan và Armenia.

Đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào trường trung học - Ảnh 1.

Truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh cho các em học sinh trung học.

Nguyên nhân gốc rễ của việc lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến MCBGTKS ở nước ta và các nước châu Á là do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, trọng nam hơn nữ. Nói cách khác, MCBGTKS có nguyên nhân từ việc phân biệt đối xử trên cơ sở giới, từ những định kiến giới. Như vậy, vấn đề MCBGTKS có liên quan chặt chẽ với vấn đề giới, bình đẳng giới; việc kiểm soát MCBGTKS cần gắn liền với việc xóa bỏ những hành vi phân biệt đối xử về giới, những định kiến giới.

MCBGTKS gây ra những hậu quả nặng nề như khó khăn trong kết hôn, nguy cơ lan rộng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình trạng di cư ngày càng phổ biến, làm gia tăng thêm bất bình đẳng giới và tình trạng bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái, gia tăng tội phạm xã hội.

Đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh các trường trung học

Do chức năng nhiệm vụ của các nhà trường, đặc biệt là trường trung học cơ sở và trung học phổ thông với học sinh ở lứa tuổi vị thành niên, có nhiều ưu thế trong giáo dục dân số, giới, bình đẳng giới và kiểm soát MCBGTKS. Việc giáo dục không những giúp học sinh phát triển nhận thức, có thái độ và hành vi đúng đắn, có trách nhiệm trong hiện tại và tương lai, mà còn giúp các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực về kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng. Thông qua đội ngũ tuyên truyền viên này những kiến thức, thái độ, hành vi đúng đắn về các vấn đề trên sẽ được lan tỏa rộng rãi tới nhiều gia đình và cộng đồng.

Bước sang những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng MCBGTKS và liên quan đến nó là vấn đề định kiến giới, phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bất bình đẳng giới. Tình trạng này đòi hỏi phải có những biện pháp hạn chế, kiểm soát kịp thời nếu không sẽ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho sự phát triển của gia đình và xã hội.

Đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào trường trung học - Ảnh 2.

Một buổi học ngoại khóa về mất cân bằng giới tính khi sinh của các em học sinh trung học.

Đứng trước thực tế đó, mấy năm gần đây nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới cho học sinh đã bước đầu được thí điểm lồng ghép vào hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, công tác giáo dục này còn thực hiện chưa hiệu quả. Vì vậy cần lồng ghép kiểm soát MCBGTKH, giới, bình đẳng giới cho học sinh trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việc này có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức, con đường khác nhau như thông qua dạy học các môn học có tiềm năng và chủ đề tự chọn, thông qua tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Đưa nội dung kiểm soát MCBGTKS vào các trường trung học là một biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa giúp các em học sinh trung học có nhận thức đúng đắn cũng như lan tỏa thông điệp về kiểm soát MCBGKS, giới và bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS ở nước ta hiện nay.

Việc lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thuận lợi hơn và mang lại hiệu quả cao hơn so với hoạt động dạy học; nhằm thực hiện các mục tiêu: 

- Học sinh có nhận thức đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông về MCBGTKS và một số vấn đề về giới, bình đẳng giới có liên quan đến MCBGTKS;

- Có các thái độ, hành vi ứng xử tôn trọng với các bạn khác giới, người khác giới ở nhà trường, gia đình và cộng đồng;

- Đồng tình, ủng hộ các chính sách của Nhà nước, của địa phương về kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới;

- Phê phán, đấu tranh với những định kiến giới, những hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới ở nhà trường, gia đình và cộng đồng;

- Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách của Nhà nước, của địa phương về kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới do Nhà trường và địa phương tổ chức, phù hợp với lứa tuổi và khả năng của bản thân.

Một số hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cụ thể trong trường trung học có lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới như thi tìm hiểu, giao lưu học sinh với học sinh, giao lưu học sinh với chuyên gia, trò chơi giáo dục, tiểu phẩm, kịch tương tác, thi tuyên truyền viên giỏi, góc thân thiện, câu lạc bộ học sinh…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nghệ sĩ Thương Tín mắc COVID-19.


Mai Hương
Ý kiến của bạn