Sau khi nghe báo cáo về tình hình xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đã đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với ngành y tế trong thời gian qua. Các nội dung như phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, quản lý thai sản, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng nhìn chung làm tốt. Cơ sở vật chất của các trạm y tế cơ bản đạt yêu cầu; cán bộ, nhân viên y tế làm việc nhiệt tình, trách nhiệm... Tuy nhiên tình trạng quá tải xảy ra ở nhiều đơn vị như: Trung tâm y tế (TTYT) Văn Yên 164%, TTYT Trấn Yên 166%, TTYT Văn Chấn 158%... Theo Thứ trưởng, đây là các chỉ số không hề ổn, thể hiện hệ thống y tế cơ sở còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Thứ trưởng đề nghị Sở y tế tỉnh cần tăng cường cho công tác y tế cơ sở và tiến hành ngay, không chờ. Cái gì làm được trước thì triển khai luôn, chẳng hạn như biển báo để làm sao cho thuận tiện, sắp xếp các bàn khám hợp lý. Đây là các trang thiết bị văn phòng khám bệnh chứ không phải thiết bị y tế gì giá trị to lớn cả. Hay bố trí lại các phòng công năng sao phù hợp và thuận tiện, phòng hậu sản ở tầng một có hợp lý không, phòng truyền thông nên để ở tầng một hay tầng hai…- Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn gợi ý.
Cũng theo Thứ trưởng: Trạm y tế cần làm đúng chức năng, nhiệm vụ và qui định, ngoài phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe còn có cả chữa bệnh. Việc trạm y tế Cổ Phúc ngừng công tác khám chữa bệnh từ 1/1/2018 do quá gần trung tâm y tế huyện là thiệt thòi cho người dân. Hiện nay đã có chính sách đồng chi trả bảo hiểm y tế, nếu như người dân đến trạm y tế thì không phải đồng chi trả nhưng đến cơ sở tuyến trên thì phải mất 20%. Đã có nhiều người bệnh đến cơ sở tuyến trên để lấy thuốc, ngồi xếp hàng từ sáng đến trưa, vì qua đông là không cần thiết.
Về công tác đào tạo chuyên môn, Thứ trưởng gợi ý, công tác tập huấn không nhất thiết đòi hỏi phức tạp dài ngày, có thể cắt đoạn các chương trình theo các modun khác nhau, để thuận lợi cho cán bộ tuyến dưới được đi học. Việc học dài hạn nhiều khi khó khăn, vì có trạm chỉ có 1 bác sĩ, nếu cử đi học 3 tháng thì tỉnh hay sở lại phải điều động người khác về làm thay. Bởi vậy khi chúng đưa giảng viên về dạy đến tận huyện, một lớp chỉ độ khoảng 5 ngày.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn và đoàn cán bộ Bộ Y tế kiểm tra tại Trạm y tế xã Việt Hồng.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn và đoàn cán bộ Bộ Y tế kiểm tra tại Trạm y tế thị trấn Cổ Phúc.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn và đoàn cán bộ Bộ Y tế kiểm tra tại trạm y tế xã Báo Đáp.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn và đoàn cán bộ Bộ Y tế làm việc với lãnh đạo và các ban ngành tỉnh Yên Bái.
Khi cơ sở vật chất khang trang, bố trí các phòng công năng hợp lý và trình độ chuyên môn của cán bộ tuyến xã được nâng cao thì người dân sẽ dần tin tưởng, đặc biệt đối với những người bị huyết áp, tiểu đường, họ sẽ phấn khởi vì không phải đi xa lên tuyến trên, tốn kém. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết: Tại một số địa phương như Sóc Sơn (Hà Nội), Bắc Giang… tuyến y tế cơ sở đã triển khai rất tốt mô hình quản lý bệnh mạn tính do địa phương tự chủ động triển khai… Ở đây chúng ta cần nói đến vai trò của giám đốc Sở y tế và của các cơ sở y tế, có nhiều công việc cần phải chủ động không nên chờ đợi, trong khi nhiều nơi còn tâm lý, xu hướng đợi đầu tư, các văn bản liên quan…
Trước đó, Đoàn đã kiểm tra 3 trạm y tế tại thị trấn Cổ Phúc (vùng 1), xã Báo Đáp (vùng 2) và xã Việt Hồng (vùng 3) đều thuộc huyện Trấn Yên. Đây là 3/26 trạm y tế thuộc 8 tỉnh được lựa chọn làm điểm về nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở theo mô hình “Nguyên lý học gia đình” do Dự án HPET đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực.
Qua kiểm tra cho thấy, về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động cho thấy các trạm y tế này hiện vẫn còn một số vấn đề còn bất cập, như: quy trình, quy định bảo quản vắc-xin; quan tâm quản lý và điều trị bệnh nhân cao huyết áp, ít bệnh nhân; các vấn đề cung ứng thuốc cho các trạm y tế xã...
Được biết đến nay Bộ Y tế đã khảo sát được tuyến y tế cơ sở của 7/8 tỉnh được lựa chọn (sắp tới sẽ khảo sát các trạm y tế điểm tỉnh Khánh Hòa). Sau khi khảo sát xong, Dự án sẽ cho cán bộ đi đào tạo và củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… trạm nào thiếu gì thì sẽ được đầu tư bổ sung. Đáng chú ý, có những trạm chỉ cần sơn lại vôi, cửa, hay bố trí, sắp xếp lại biển báo… là đạt mức tiêu chuẩn. Từ đó trên cơ sở mô hình điểm này để thống nhất, nhân rộng ra toàn quốc làm sao để phục vụ tốt nhất cho bà con.