Đợt tập huấn này diễn ra trong hai ngày 11 và 12/12 nhằm mục đích tăng cường chất lượng quản lý, phát huy hiệu quả đầu tư TTBYT trong công tác khám chữa bệnh; Chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực, vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và cung ứng, sử dụng TTBYT kém chất lượng, cũ nát ; Chủ động trong đầu tư, bổ sung TTBYT mới phù hợp, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển các kỹ thuật y học trong khám chữa bệnh; Tăng cường kỹ năng quản lý công trình y tế cho các cán bộ quản lý các cơ sở y tế.
TTBYT đã trở thành 1 trong 3 yếu tố quan trọng: Thầy thuốc – Thuốc – TTBYT, quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong công tác phòng và khám chữa bệnh. Tuy nhiên, có TTBYT mới chỉ là điều kiện, việc quản lý, khai thác, sủ dụng TTBYT mới là vấn đề quan trọng.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ TTB&CTYT, chi phí ban đầu để đầu tư TTBYT chỉ chiếm từ 30-40%, trong khi đó chi phí sửa chữa, bảo dưỡng… chiếm tới 60-70% tổng chi phí đầu tư. Vì vậy, tăng cường công tác quản lý nói chung và quản lý đầu tư, khai thác, sử dụng TTB&CTYT tại các đơn vị, bệnh viện nói riêng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đầu tư cho ngành y tế, phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.