Hà Nội

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở

12-12-2021 15:18 | Y tế

SKĐS - Hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố và phát triển; y tế cơ sở đóng góp vai trò quan trọng trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19

Nghị quyết 20/NQ-TW về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ quan điểm xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng… Y tế dự phòng là áp dụng các phương pháp dự phòng bệnh tật bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, di truyền, tác nhân gây bệnh, lối sống, hành vi…Y tế dự phòng tập trung vào việc bảo vệ, tăng cường và duy trì sức khỏe, dự phòng bệnh tật, tàn phế và tử vong.

Đến nay hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố và phát triển; y tế cơ sở đóng góp vai trò quan trọng trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tỉ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 8,2 bác sĩ năm 2016 lên 9 bác sĩ năm 2020, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở - Ảnh 1.

Y tế cơ sở đóng góp vai trò quan trọng trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19

Công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được chú trọng; triển khai đồng bộ hệ thống quản lý tiêm chủng tới tất cả các điểm cho người dân; tăng cường quản lý môi trường y tế, vệ sinh môi trường; tích cực phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Tình hình ngộ độc thực phẩm đã có xu hướng giảm.

GS. TS Nguyễn Trần Hiển, nguyên Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam cho biết, các hoạt động dự phòng được chia thành các cấp độ sau: Dự phòng cơ bản là áp dụng các biện pháp ngăn ngừa việc hình thành các yếu tố nguy cơ về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển (thí dụ như phá hủy không trồng cây thuốc lá). Dự phòng cấp một là áp dụng các biện pháp hạn chế phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ (như giáo dục sức khỏe, tiêm vaccine phòng bệnh).

Dự phòng cấp hai là áp dụng các biện pháp chẩn đoán phát hiện sớm ở giai đoạn chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng bằng các kỹ thuật (đo huyết áp thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm nhằm làm giảm nguy cơ của các bệnh tim mạch; xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung…).

Dự phòng cấp ba là áp dụng các biện pháp điều trị bệnh và phục hồi chức năng hiệu quả nhằm làm giảm tàn phế và tử vong.

Dự phòng cấp bốn là áp dụng các biện pháp làm giảm lạm dụng các can thiệp điều trị không cần thiết. Hiệu quả của các hoạt động dự phòng là rất rõ rệt, bảo vệ sức khỏe dự phòng bệnh tật, và nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giảm chi phí trong chẩn đoán và điều trị.

"Để dự phòng bệnh tật có hiệu quả, cần có sự kết hợp lồng ghép các chiến lược can thiệp liên quan với nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh tật, thay đổi hành vi lối sống của cộng đồng, với sự tham gia liên ngành, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chính trị, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, bao gồm Nhà nước và tư nhân"- GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết.

Hoạt động củng cố hệ thống y tế cơ sở và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu luôn là những ưu tiên trong chính sách phát triển y tế Việt Nam, góp phần quan trọng trong cải thiện tình trạng sức khỏe nhân dân. Trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, trong khi y tế cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết...

Y tế cơ sở- vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của y tế  Y tế cơ sở- vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của y tế

SKĐS - Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn