Sáng 7/12, Bộ Y tế phối hợp Hội Khoa học Kinh tế y tế và Trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức Hội nghị quốc tế "Đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam năm 2021" với chủ đề "Ứng dụng bằng chứng đánh giá tác động ngân sách trong xây dựng gói quyền lợi BHYT".
Đánh giá công nghệ y tế (Health Technology Assessment) là phương pháp đánh giá khía cạnh y học, dịch tễ học, xã hội học và kinh tế học của các can thiệp y tế (bao gồm thuốc, vaccine quy trình y tế, thiết bị y tế, dịch vụ y tế và cả các can thiệp y tế công cộng) về nhiều lĩnh vực như y học, xã hội học và kinh tế học…
Mục tiêu chính của đánh giá công nghệ y tế là giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định lựa chọn và triển khai các công nghệ y tế, can thiệp y tế phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Ở nhiều quốc gia, đánh giá công nghệ y tế nói chung và phân tích tác động ngân sách được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT đối với thuốc.
Chia sẻ thêm về vai trò của đánh giá công nghệ y tế với nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên hạn chế, quỹ BHYT phải bao phủ ngày càng nhiều dịch vụ y tế. Do đó, đánh giá công nghệ y tế cần được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách BHYT.
Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống y tế là "Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế".
Tới đây, việc sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế, bằng chứng về đánh giá tác động ngân sách trong xây dựng chính sách thuốc BHYT sẽ không còn mang tính khuyến khích mà chắc chắn là yêu cầu bắt buộc, nhất là với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào danh mục.
Theo Thứ trưởng, để việc xây dựng chính sách y tế đặc biệt là xây dựng gói quyền lợi BHYT có những thay đổi mang tính đột phá, ngày càng minh bạch, dựa trên bằng chứng khoa học rõ ràng, bảo đảm lợi ích hài hòa của tất cả các bên liên quan, bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT thì việc xây dựng phát triển hệ thống đánh giá công nghệ y tế là rất cần thiết và quan trọng.
"Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT cần dựa trên các bằng chứng đánh giá công nghệ y tế, đặc biệt các bằng chứng về chi phí- hiệu quả và đánh giá tác động ngân sách", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Từ năm 2018 đến nay, Hội nghị Đánh giá công nghệ y tế đã được tổ chức hàng năm nhằm mục tiêu phát triển năng lực đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam và tăng cường ứng dụng vào việc xây dựng chính sách y tế, đặc biệt là chính sách BHYT, theo TS. Nguyễn Quốc Triệu- Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bên cạnh Hội nghị chính thức ngày 7/12, một số hoạt động bên lề đáng chú ý cũng được tổ chức như lớp tập huấn ngày 8/12 về "Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu đánh giá công nghệ y tế". Các hội thảo vệ tinh ngày 3, 6, 7/12 với các chủ đề về ứng dụng đánh giá công nghệ y tế nhằm lựa chọn các can thiệp y tế trong lĩnh vực ung thư, tim mạch, đột quỵ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19