Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 95-95-95 (95% người sống chung với HIV biết tình trạng có HIV của mình, 95% người chẩn đoán có HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế), nhằm hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Tuy nhiên mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu không có sự chung tay của các tổ chức xã hội (tổ chức dựa vào cộng đồng, doanh nghiệp xã hội, nhóm tự lực…).
ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Sự tham gia tích cực của các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội đã và đang góp phần tăng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho nhóm có nguy cơ cao tại cộng đồng dân cư. Đặc biệt quan trọng là giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Tại lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội/doanh nghiệp xã hội do Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Hải Phòng mới đây, ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là quốc gia luôn dẫn đầu trong khu vực, là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS và đề cao tầm quan trọng, vai trò của các tổ chức cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Ông mong muốn các tổ chức cộng đồng hãy cùng lắng nghe, học hỏi, hỗ trợ nhau, làm như thế nào để ngày càng phát triển bền vững. Trong thời gian tới, CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các đối tác và đặc biệt các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực tài chính nhằm bảo đảm nhóm đối tượng đích đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu.
Ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng, vai trò của các tổ chức cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.
Chương trình thí điểm mô hình Hợp đồng xã hội ở nước ta đã cho thấy những bước tiến quan trọng của Việt Nam hướng đến kiểm soát dịch vào 2030, đồng thời cũng là một tiền đề quan trọng trong việc chuyển dịch từ nguồn hỗ trợ quốc tế sang nguồn ngân sách nhà nước trong những năm tới.
Theo khảo sát năng lực tổ chức xã hội được tiến hành bởi Doanh nghiệp xã hội IRD Việt Nam tại ba tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 8 Doanh nghiệp xã hội, 7 tổ chức cộng đồng/nhóm tự lực. Thái Nguyên có 10 tổ chức cộng đồng, chưa có doanh nghiệp xã hội. Hải Phòng có 2 doanh nghiệp xã hội và 18 tổ chức cộng đồng/nhóm tự lực… Lý do lớn nhất mà các tổ chức xã hội chưa đăng ký tư cách pháp nhân là thủ tục thuế phức tạp, thiếu nhân lực chất lượng, thiếu cơ sở hạ tầng đủ điều kiện để được cấp phép dịch vụ, quy trình đăng ký phức tạp, tốn thời gian và thiếu vốn điều lệ…
Do đó, thông qua buổi tập huấn, các học viên có dịp trao đổi, đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và cùng phối hợp tìm ra phương án giải quyết; thảo luận để định hướng giai đoạn tiếp theo, làm thế nào để nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng, để có thể đảm nhiệm được các dịch vụ công và ký được hợp đồng với các cơ quan nhà nước thực hiện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS…