Tại thành phố Bắc Giang, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Khóa đào tạo Tập huấn viên về Sơ cứu tâm lý ban đầu (PFA), Bảo vệ, Giới và Hòa nhập (PGI), Trách nhiệm giải trình (CEA) thuộc Dự án "Viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão".
Chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ hội trong việc thực hiện các dự án cứu trợ. Psychosocial first aid – PFA (Sơ cứu tâm lý ban đầu) là kỹ thuật do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, dành cho người không có chuyên môn y tế – tâm lý – tâm thần, để hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân sau thảm họa, buôn bán, sang chấn tâm lý sau sự cố đột ngột.
Khóa đào tạo thu hút sự tham gia của 30 học viên là cán bộ từ Trung ương Hội, tỉnh Hội và Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên và Yên Bái. Đây là những cán bộ trực tiếp tham gia triển khai các dự án nhân đạo tại các địa phương, đặc biệt là các hoạt động khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi).

Các học viên tại lớp tập huấn viên về Sơ cứu tâm lý ban đầu (PFA), Bảo vệ, Giới và Hòa nhập (PGI), Trách nhiệm giải trình (CEA) thuộc Dự án "Viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão".
Theo phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang - Nguyễn Anh Phương cho rằng, khóa đào tạo rất quan trọng của việc nâng cao tính linh hoạt và phương pháp khoa học trong hoạt động cứu trợ khẩn cấp, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.
Việc kết hợp các yếu tố này trong các dự án cứu trợ không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn khẳng định sự chuyên nghiệp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong công tác cứu trợ nhân đạo.

Các học viên trao đổi nhóm về kỹ năng thiết thực trong việc sơ cứu tâm lý cho nạn nhân thiên tai, bảo vệ quyền lợi giới và thúc đẩy hòa nhập cộng đồng.
Được biết, nằm trong khuôn khổ thuộc, dự án "Viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão" do Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế triển khai. Từ ngày 2-4/4/2025, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang đã tổ chức chương trình cấp phát tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão.
Đợt này, chương trình hỗ trợ 1.042 hộ dân tại 25 thôn thuộc các xã: Cẩm Đàn, Vĩnh An, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) và xã Huyền Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam). Tổng số tiền trao tặng là 2,5 tỷ đồng với các mức hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng/hộ, tùy theo mức độ thiệt hại. Trong đó, 176 hộ được nhận 1 triệu đồng, 274 hộ được nhận 2 triệu đồng và 592 hộ được nhận 3 triệu đồng.
Đối tượng được hỗ trợ là những hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão, phải di dời khẩn cấp, có người chết hoặc bị thương, bị thiệt hại về sinh kế như mất mùa, vật nuôi chết và có nhu cầu phục hồi sinh kế. Chương trình đặc biệt ưu tiên các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có người khuyết tật hoặc bị bệnh nặng…
Ngoài cấp phát tiền hỗ trợ, Ban tổ chức còn truyền thông, phát tài liệu về phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, sử dụng nước sạch. Chương trình là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tinh thần sẻ chia, giúp đỡ các đối tượng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và tái thiết sản xuất sau thiên tai.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang tổ chức chương trình cấp phát tiền mặt không điều kiện hỗ trợ cho 181 hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu sau bão tại thi trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động.
Dự án Viện trợ quốc tế khẩn cấp nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão, do Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế viện trợ không hoàn lại.
Dự án sẽ được triển khai tại 7 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Lạng Sơn, với tổng số 190 thôn, bản, hỗ trợ hơn 50.000 người dân. Tổng kinh phí cho dự án là 900.000 CHF (hơn 25,5 tỷ đồng).
Các lĩnh vực can thiệp chính của dự án bao gồm: cấp phát tiền mặt cho các gia đình bị ảnh hưởng, hỗ trợ đảm bảo lương thực và dinh dưỡng, cải thiện sinh kế thông qua cấp phát tiền mặt có điều kiện (con giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, sửa chữa chuồng trại…), truyền thông về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ giới và hòa nhập, nâng cao năng lực cho các cấp hội, lực lượng ứng phó, chính quyền địa phương và cộng đồng về phòng chống thiên tai và hỗ trợ sơ cứu tâm lý ban đầu.
P. Mai