Nâng cao năng lực các tổ chức xã hội phòng, chống HIV/AIDS

04-09-2023 15:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Với đặc điểm, đặc thù riêng của dịch HIV/AIDS, nếu chỉ dựa vào hệ thống y tế công thì không đủ, các tổ chức xã hội thực sự là cánh tay nối dài trong phòng chống HIV/AIDS ở nước ta…

Mới đây, tại tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội/doanh nghiệp xã hội, nhằm góp phần thúc đẩy sự tham gia rộng rãi, toàn diện và hiệu quả các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS ở các cấp khác nhau. Gần 100 tổ chức xã hội tại 04 tỉnh/thành phố Bình Dương, Long An, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã tham dự.

photo-1691653447605

ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Với đặc điểm, đặc thù riêng của dịch HIV/AIDS, nếu chỉ dựa vào hệ thống y tế công vẫn chưa đủ vì có rất nhiều nhóm, đặc biệt là các nhóm yếu thế, nhóm có hành vi nguy cơ cao và bạn tình của họ khó có thể tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm, điều trị, can thiệp HIV/AIDS… Việc này chỉ có thể làm được và làm tốt nhất khi chúng ta có được hệ thống thông qua các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Có thể nói tổ chức cộng đồng ngày càng có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình ứng phó với đại dịch HIV/AIDS.

Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội, không chỉ cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại (như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su), chuyển gửi khách hàng tiếp cận dịch vụ thích hợp… thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá.

Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập doanh nghiệp xã hội và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các doanh nghiệp xã hội lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều khách hàng e ngại dịch vụ y tế công.

Nếu như trước đây, hoạt động của các tổ chức cộng đồng thông qua tài trợ từ các tổ chức/dự án quốc tế thì đến nay, chúng ta cần phải tính đến sử dụng nguồn lực trong nước.

Để các tổ chức cộng đồng đảm nhiệm được các dịch vụ công và có thể ký được hợp đồng với các cơ quan nhà nước, thì ngoài phát triển kỹ năng về chuyên môn, cần nâng cao năng lực quản lý tài chính, quản lý tổ chức cho các tổ chức cộng đồng. Về phía Trung ương, cũng cần thành lập Ban cố vấn để có thể tư vấn, hỗ trợ các tổ chức cộng đồng triển khai hoạt động, phát triển bền vững.

photo-1691653448841

Bà Sunshine Lickness, Phó Giám đốc Bộ phận HIV/Lao US.CDC.

Phát biểu tại lớp tập huấn, bà Sunshine Lickness, Phó Giám đốc Bộ phận HIV/Lao US.CDC cho biết: Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đánh giá là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong các thành tựu đã đạt được, có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội.

Trong thời gian tới, CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các đối tác và đặc biệt các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực tài chính nhằm bảo đảm nhóm đối tượng đích đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu, bất kể nơi nào mà họ đang sinh sống, hay làm việc tại Việt Nam.

Mời độc giả xem thêm video:

Hạnh Phúc Nở Hoa Với Người Phụ Nữ Đã Bước Qua Nỗi Đau Có HIV | SKĐS

Xuân Thủy


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn