Ngày 26/4, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng trực tiếp tham gia phục vụ các đoàn công tác trong các tình huống khẩn cấp để đảm bảo an toàn khi thi hành công vụ.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, khi thiên tai xảy ra, các đồng lãnh đạo và lực lượng chức năng phải trực tiếp tham gia phòng, chống thiên tai với mục tiêu cao nhất là làm sao tiếp cận ngay tới các khu vực bị tàn phá, trực tiếp chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Trong bối cảnh đó, đội ngũ những người lái xe – những người lính thầm lặng nhưng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho những chuyến đi, góp phần mang lại hiệu quả "kép" công tác ứng phó thiên tai và mang lại hiệu quả an toàn cho xã hội.
Việc bảo đảm an toàn cho lãnh đạo Bộ, các lực lượng tham gia ứng phó, bản thân người lái xe và phương tiện được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, luôn được các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm. Mặc dù, thời gian qqua, công tác điều hành, lái xe phục vụ Lãnh đạo Bộ và các đoàn công tác trong các hoạt động chỉ đạo phòng, chống thiên tai đã được thực hiện tương đối tốt.

Các đại biểu tham gia buổi tập huấn.
Tuy nhiên, thực tế vẫn ghi nhận một số sự cố nguy hiểm xảy ra trong quá trình di chuyển, như: xe nổ lốp, lái xe mệt mỏi do thiếu thời gian nghỉ ngơi, mất liên lạc gây sai lệch hành trình… Dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng đây là những vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc,và phải được khắc phục thông qua các giải pháp thiết thực, trong đó có công tác tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý tình huống và chia sẻ bài học thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Tiến nêu rõ: "Những nội dung này tuy không mới, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên chúng ta tổ chức một buổi tọa đàm, tập huấn chuyên sâu, bài bản dành riêng cho lực lượng lái xe phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Đây cũng là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau nhìn nhận một cách toàn diện hơn về những khó khăn, những bài học kinh nghiệm đã qua, cùng nhau đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, an toàn cho mỗi chuyến công tác".
Thông tin về nội dung lái xe an toàn trong tình huống thiên tai, ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) cho hay, cần tập trung vào các nội dung như: Kỹ năng lái xe an toàn (kiểm tra xe trước khi khởi hành, kiểm tra dò rỉ xe, kiểm tra áp suất lốp xe, điều chỉnh vị trí ngồi, dây đai an toàn, tốc độ của xe, tính khoảng cách dừng xe, khoảng cách an toàn, các yếu tố gây mất tập trung khi lái xe, an toàn khi đi qua đường sắt, đã uống rượu bia không lái xe, không lái xe khi buồn ngủ...).

Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam trình bày tại tập huấn.
Đối với việc chuẩn bị cho chuyến công tác ứng phó sự cố thiên tai cần quan tâm đến các vấn đề như kiểm tra xe, kiểm tra dụng cụ hành lý mang theo, chuẩn bị đối với xe (dụng cụ sửa chữa xe thông thường, bóm hơi, dây dù phòng khi phải kéo xe, kiểm tra lốp dự phòng và kích lốp).
Cùng với đó, việc lái xe trong các tình huống thiên tai như mưa to, đường ngập nước, sạt lở, sương mù cần phải cẩn trọng, an toàn...
Chia sẻ về việc lái xe phục vụ công vụ, anh Nguyễn Mạnh Cường, lái xe Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho rằng, bản thân nhiều lần đưa các đồng chí lãnh đạo đi chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, đây là công việc rất đặc thù và mang tính nguy hiểm cao. Do vậy, người lái xe cần phải cẩn trọng, cẩn thận, xử ký các tình huống mang tính chính xác cao nhưng linh hoạt trong công tác phục vụ để đảm bảo chuyến công tác đạt hiệu quả, an toàn cho chuyến đi.