Hà Nội

Nâng cao hiệu quả truyền thông công tác y tế: Cần sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan báo chí

08-12-2015 22:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 8/12, Bộ Y tế và Bộ TT&TT tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế” với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thời gian quan, Bộ đã lắng nghe đa chiều, có chọn lọc các thông tin hoạt động của ngành y với mong muốn đem tới cho người dân những thông tin thiết thực, có lợi nhất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, sự hợp tác giữa ngành y tế với truyền thông vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, ngành y tế thiếu chiến lược và kế hoạch dài hạn về truyền thông, giáo dục sức khoẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, với hơn 400.000 cơ sở y tế, nguy cơ tai biến y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng các cơ sở lại chưa có kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông. Trong khi đó các thông tin thiếu kiếm chứng lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng đến kết quả chung của ngành y.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội thảo

“Truyền thông phải đi trước một bước nhưng bản thân lãnh đạo và những người làm ngành y tế chỉ nói sâu về chuyên môn, tư duy quan niệm thì đúng nhưng xử lý, thực hành không đúng vì vậy chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác truyền thông hơn tại tất cả các cấp để thông tin kịp thời đến người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.

Bộ trưởng xác định hướng truyền thông của ngành y tế phải luôn đi trước dư luận, không chỉ chạy theo dự luận. Vì vây, thời gian vừa qua, ngành y tế đã chủ động cung cấp thông tin cho truyền thông và có quy chế quy định mỗi đơn vị y tế có một người phát ngôn chính xác các thông tin. Truyền thông về y tế cũng cần chú ý tới thói quen của người dân ở từng vùng miền. Ví dụ như truyền thông đối với khu vực miền Nam, người dân thường chỉ xem trên kênh Vĩnh Long, HTV7…., ít theo dõi trên VTV1 nên nếu chỉ tuyên truyền trên VTV1 thì sẽ không tới được người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kỳ vọng từ khủng hoảng truyền thông của ngành y sẽ trở thành mô hình mẫu về phối hợp với truyền thông vì lợi ích của nhân dân.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông đối với sự phát triển của ngành y, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, sự động viên, ủng hộ, chia sẻ kịp thời của các cơ cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương chính sách của ngành y tế.

Qua báo chí, ngành y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, tiêu cực, khuyết điểm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, những tác phẩm báo chí về những cống hiến thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, về những thành quả mà ngành y tế đạt được có ý nghĩa cổ vũ động viên rất lớn với toàn ngành.

“Trong thời gian tới, giữa 2 Bộ cần xây dựng chiến lược truyền thông cụ thể, truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, để người dân hiểu biết hơn, chia sẻ với ngành y tế, nâng cao chăm sóc sức khoẻ cho cả cộng đồng”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Từ phía báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị cơ quan báo chí phải thể hiện tính chuẩn mực trong dòng chảy thông tin, là cơ sở để người dân kiểm chứng thông tin; cần tổ chức đội ngũ chuyên sâu về lĩnh vực y tế đồng thời có kế hoạch xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực y tế.

“Sai lầm của một bác sỹ có thể ảnh hưởng đến một người nhưng một thông tin sai có thể gây hậu quả cho nhiều người, cho xã hội”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý với báo chí.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng mong muốn phía Bộ Y tế sẽ chủ động phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng viết về y tế, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn nhất là khi có các sự kiện nổi cộm hoặc đặc biệt.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chủ động hơn, cởi mở hơn, minh bạch hơn trong việc cung cấp thông tin; nâng cao kỹ năng giải quyết khủng hoảng truyền thông; phối hợp nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với báo chí.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí đã đóng góp nhiều ý kiến, nhằm giúp công tác truyền thông về y tế đạt hiệu quả cao. Do đó, sự phối hợp giữa ngành y tế và truyền thông ngành y tế cần chủ động thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động khám, chữa bệnh, y tế dự phòng cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin mới trong phòng, chống dịch bệnh; Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng viết về đề tài y tế cho các phóng viên, biên tập viên; minh bạch thông tin để người dân hiểu rõ những khó khăn của ngành y tế và những tai biến y khoa có thể gặp phải trong quá trình phòng, chữa bệnh; thông qua mạng xã hội, nhất là face book cá nhân, các nhà quản lý y tế có thể đối thoại với mọi người về mọi vấn đề để giải tỏa những vướng mắc.

Các đại biểu đều ghi nhận thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có nhiều cải tiến trong công tác truyền thông, song vẫn cần có những phản ứng kịp thời hơn. Theo đại diện báo Infonet, vấn đề nổi lên gần đây là thông tin y tế xuất hiện từ mạng xã hội, độ tin cậy rất thấp, nhưng lại mang tính giật gân nên độ lan tỏa cao, khiến nhiều người hoang mang, như tin về dịch bệnh Ebola xuất hiện tại Việt Nam, mỳ tôm có đỉa vv… Vì thế, Bộ Y tế và các bệnh viện cần phải sử dụng mạng xã hội để cung cấp nguồn tin chính thống , khoa học dập tan tin đồn. Ngành y tế cần cởi mở và có sự phối hợp nhanh chóng với báo chí, bởi nếu không nhanh và chính xác, sẽ bị thua mạng xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về y tế, cùng với ngành y thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Thái Bình
Ý kiến của bạn