Hà Nội

Nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong quản lý chất thải nhựa

22-09-2024 08:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Thời gian qua, để quản lý rác thải nhựa có hiệu quả, Đảng và Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách pháp luật liên quan, trong đó có các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia,... đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường.

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

Nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong quản lý chất thải nhựa- Ảnh 1.

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường.

Theo Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định cụ thể về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa…

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ 2 trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu gồm: trách nhiệm tái chế (Điều 54) và trách nhiệm xử lý rác thải (Điều 55). Theo đó, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc.

Nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong quản lý chất thải nhựa- Ảnh 2.

Ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” tại TP Hạ Long, tháng 8/2019.

Theo Bộ TN&MT, để nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong quản lý chất thải nhựa cần thiết phải áp dụng đồng bộ, thực hiện quyết liệt, thường xuyên và có sự chung tay của các cấp, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.

Trong đó, chú trọng chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường; tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải; có chế tài đủ mạnh để xử phạt nghiêm các vi phạm về BVMT; tăng thuế đối với những sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy, đồng thời miễn, giảm thuế đối với các sản phẩm thân thiện môi trường;

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông và chất thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất những sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế như túi đựng thân thiện môi trường, chai, lọ thân thiện môi trường…

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa; Xác định rõ chính quyền địa phương có trách nhiệm chính trong việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…

Vệ sinh giếng nước, bể chứa, xử lý môi trường sau lũ lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tếVệ sinh giếng nước, bể chứa, xử lý môi trường sau lũ lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế

SKĐS - Bể chứa nước, giếng nước bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt có khả năng chứa các vi sinh vật có hại, cần phải xử lý mới bảo đảm vệ sinh để sử dụng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phát hiện, tiêu hủy gần 800kg lợn nghi mắc bệnh.


Huy Hoàng
Ý kiến của bạn